Ở xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, hơn 1 năm nay, cuộc sống của người dân bị đảo lộn vì tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do cơ sở sản xuất chitin-chitosan (phụ phẩm từ đầu tôm, nang mực) gây ra.
Hôi thối không chịu nổi
Cơ sở sản xuất chitin-chitosan này nằm cách Quốc lộ 63 hơn 1 km, lọt thỏm trên tuyến dân cư thuộc ấp Bào Môn, xã Hưng Yên. Con đường bê tông nhỏ dẫn vào cơ sở này đang ngày đêm gồng mình chịu đựng những chiếc xe tải chở đầu tôm hoặc nang (mai) mực chưa qua sơ chế.
Bà N.T.T, nhà gần khu vực này, cho biết cách nay hơn 2 năm, có một phụ nữ ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang về đây hỏi mua gần 2 ha đất để làm cơ sở sơ chế đầu tôm và nang mực. Lúc đó, người dân địa phương đều hy vọng sẽ có công ăn việc làm sau khi cơ sở này đi vào hoạt động. Thế nhưng, khi cơ sở hoạt động, những hộ dân gần đó phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc.
“Ban ngày thì mùi hôi từ nang mực phơi, còn về đêm thì mùi thối do nước từ nhà máy xả trực tiếp xuống kênh. Công ăn việc làm đâu chẳng thấy, bà con ở đây lại đang khổ sở vì không còn được hít thở không khí trong lành nữa” - bà T. than vãn.
Mỗi năm, nước kênh Bào Môn có 2 mùa mặn, ngọt nên người dân sử dụng để sinh hoạt và cả ăn uống. Thế nhưng, từ khi cơ sở chitin-chitosan hoạt động, nhiều người phải chuyển sang sử dụng nước máy, làm chi phí gia đình tăng cao. “Nguồn thu nhập thêm của gia đình tôi là cái quán giải khát nhỏ ven đường vốn đông đúc khách thì nay ít còn ai dám lui tới. Tanh hôi kiểu này thì buôn bán gì được nữa! Chồng tôi đã nhiều lần nói chuyện với chủ cơ sở. Họ có hứa để từ từ khắc phục nhưng đã hơn 1 năm rồi mà có thay đổi gì đâu” - bà T. lo lắng.
Thủy sản chết bất thường
Kênh Bào Môn dài khoảng 12 km, kết nối với đầu vàm của sông Cái Nước dẫn ra sông Cái Lớn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Người dân sống ở đôi bờ kênh này chủ yếu nuôi tôm và trồng lúa theo mô hình lúa - tôm. Vì vậy, rất nhiều hộ nuôi tôm đã chịu thiệt hại do sử dụng nguồn nước kênh Bào Môn.
Ông Đỗ Ngọc Sơn - ở ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên - cho biết dù gia đình ông cách cơ sở chitin-chitosan đến gần 1 km nhưng cũng không chịu nổi mùi hôi. Tuy nhiên, vấn đề mà ông Sơn lo lắng hơn là việc đã có rất nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng nề sau khi bơm nguồn nước từ kênh Bào Môn lên cho các vuông tôm.
“Cách nay gần 5 tháng, tôi đã làm đơn gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường. Phòng có cử cán bộ xuống xác minh nhưng không xử lý gì cả trong khi nhà máy thì được xây rộng thêm. Các cán bộ nói chưa bắt được tận tay nên kêu tụi tôi ra đó ngồi “rình” xem khi nào cơ sở xả nước thải. Không biết nước thải đó chứa hóa chất gì mà làm cho cá dưới kênh nổi đầu lên rồi chết” - ông Sơn lo ngại.
Theo ông Đỗ Thanh Bảy, ở ấp Xẻo Rô, gia đình ông hiện thả nuôi 2 ha tôm. Do không biết nguồn nước kênh Bào Môn bị ô nhiễm nên ông cũng như nhiều hộ nuôi tôm ở khu vực này chịu thiệt hại từ 70% cho đến mất trắng. “Hôm rồi, tôi đã trình bày với trưởng ấp thì ông ấy bảo bà con ráng chịu một phần thiệt hại ban đầu vì chủ cơ sở này đang đem lại quyền lợi cho địa phương. Vả lại, họ xây nhà máy cũng tốn rất nhiều tiền nên không dễ dàng gì cho ngưng hoạt động” - ông Bảy kể.
Ông Trần Văn Phấn - ở ấp Rọc Năn, xã Hưng Yên - cho biết gia đình ông đang sử dụng 2,2 ha đất để nuôi tôm. Thế nhưng, mỗi khi có con nước “đẹp” (nước sạch từ biển vào) thì không thể bơm lên vuông tôm vì vào thời điểm đó, cơ sở cũng xả ra nước thải đen ngòm cả tuyến kênh và bốc mùi hôi thối. “Cá còn chết thì làm sao tôm sống nổi. Tôi rất lo là về lâu dài nó sẽ phát sinh dịch bệnh cho dân làng” - ông lo lắng.
Chắc chắn không cấp phép
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, tỏ ra ngỡ ngàng vì lần đầu tiên biết được thông tin tại xã Hưng Yên có nhà máy sản xuất chitin-chitosan.
“Đây là vùng sản xuất lúa - tôm nên chắc chắn là không được cấp phép cho nhà máy này vì dễ gây ô nhiễm môi trường. Tôi khẳng định là cơ sở chưa đăng ký gì cả. Cũng có thể do cấp xã chưa báo cáo nên huyện chưa nắm. Quan điểm của chúng tôi là xét thấy nếu có ảnh hưởng môi trường là cương quyết không cho. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra những vấn đề liên quan đến cơ sở này” - ông Bình khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Ninh, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Biên, cho biết sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân địa phương, phòng đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình hoạt động của cơ sở. Đoàn xác định cơ sở này chưa thực hiện cam kết bảo vệ môi trường (theo giấy phép kinh doanh chỉ là sơ chế đầu tôm và nang mực chứ không sản xuất chitin-chitosan), không thực hiện sấy trong nhà kính mà phơi ngoài trời nên gây mùi hôi. Hệ thống xử lý nước thải của cơ sở quá nhỏ (chỉ 1 m3/ngày đêm), chủ yếu là lắng lọc trong bể tuần hoàn rồi xử lý bằng clo trước khi xả ra môi trường.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ kiểm tra cơ sở này lần nữa. Tuy nhiên, do chúng tôi chưa có trang thiết bị nên sẽ đề xuất cấp trên xuống lấy mẫu đưa đi kiểm định để có hướng xử lý thích hợp” - ông Ninh nêu rõ.
Phải sản xuất trong hệ thống nhà kính
Chitin-chitosan được sản xuất từ vỏ các loài thủy sản giáp xác như tôm, cua, nang mực. Chitin-chitosan có tác dụng kích thích sản sinh bạch cầu, giảm cholesterol trong máu, hạn chế sự phát triển của khối u, tác dụng tốt trên các vết thương, vết phỏng.
Tuy nhiên, để quá trình sản xuất chitin-chitosan không gây ô nhiễm môi trường xung quanh thì nguồn nguyên liệu phải còn tươi hoặc lưu giữ ở nhiệt độ -20 độ C. Khu vực sản xuất phải là hệ thống nhà kính để tránh gây mùi hôi hoặc hơi hóa chất bay ra bên ngoài làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh.
Bình luận (0)