Sáng nay 3-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phân bổ và sử dụng nguồn dự phòng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2016 - 2020. Giải trình ý kiến đại biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đã phân bổ hết số vốn dự kiến đầu tư cho 5 năm, bây giờ chỉ còn đúng nguồn dự phòng mà Quốc hội đang bàn. Trong khi đó, các địa phương, các bộ, ngành hiện nay đang có rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra nhưng không thể làm được, vì không có tên trong danh mục dự án Quốc hội đã quyết định.
Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết giai đoạn vừa qua, kế hoạch đầu tư công trung hạn tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề tồn tại của các nhiệm kỳ trước đây. Trong 9.600 dự án triển khai ở kế hoạch đầu tư năm nay thì 8.000 dự án là chuyển tiếp, chỉ khởi công mới 400 dự án, còn lại là trả nợ và thanh toán.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông nhưng vẫn đang còn tồn nợ trên 20.000 tỉ đồng. Nếu như vậy chúng ta còn phải giải quyết tiếp nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết nợ của ngành giao thông.
Trong giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong các nhiệm kỳ trước quyết định đầu tư không dựa vào đâu hết, không biết nguồn lực ở đâu đã quyết định dẫn đến dàn trải, nợ đọng, thất thoát, lãng phí. Nhưng khi Luật Đầu tư công thông qua đã yêu cầu xác định được khả năng ngân sách và khả năng cân đối thì mới quyết định được chủ trương đầu tư thì lại vướng câu chuyện "con gà, quả trứng" là chuẩn bị vốn trước hay chuẩn bị dự án trước. Lần này, phải xác định có nguồn vốn trước, phải chỉ ra được nguồn vốn đó ở đâu, khả năng là bao nhiêu rồi phân giao lại cho các địa phương của ngành theo các mục tiêu Quốc hội cho phép, sau đó chuẩn bị dự án.
Chưa chốt việc Quốc hội hay Chính phủ quyết định danh mục dự án đầu tư công
Sáng 3-6, Quốc hội xin ý kiến các đại biểu về 3 nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, có 2 phương án được trình các đại biểu Quốc hội xem xét.
Phương án 1, Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Phương án 2: Quốc hội chỉ quyết định danh mục các dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Theo kết quả biểu quyết, cả 2 phương án đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sẽ tiếp tục tiếp thu giải trình nội dung này trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo luật vào ngày 13-6.
Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm đến ĐBSCL
Phản hồi đề xuất của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP HCM) về việc chú trọng đầu tư cho khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Đối với ĐBSCL, các nhiệm kỳ trước đây của chúng ta bố trí cũng chưa được tập trung và chưa được thỏa đáng vì chúng ta có nhiều mục tiêu, nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ vừa rồi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến ĐBSCL. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 5 năm qua, ngành giao thông vận tải đã bố trí cho ĐBSCL 41 ngàn tỉ đồng, chiếm khoảng hơn 32-33%, ngành nông nghiệp đã bố trí hơn 15 ngàn tỉ đồng, chiếm hơn 30% của cả nước, ngành tài nguyên môi trường đã bố trí 4.750 tỉ/15 ngàn tỉ đồng, cũng chiếm 30% của cả nước trong các chương trình biến đổi khí hậu".
Cũng theo Bộ trưởng, ngoài ra, Thủ tướng cũng đã quyết định bổ sung thêm 2.500 tỉ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương hàng năm và dự phòng chung này để phục vụ cho các dự án chống sạt lở.
Bình luận (0)