Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ ngày 10-1, mạng lưới kinh doanh vàng miếng trên cả nước bị thu hẹp từ 8.000 điểm xuống còn 2.500 điểm, làm cho hàng loạt tiệm vàng trước đây mua bán vàng miếng phải ngừng hoạt động. Để tồn tại, họ chuyển sang sản xuất, kinh doanh vàng nhẫn khiến phân khúc thị trường này nhộn nhịp hẳn lên.
Chọn mua vàng tại một tiệm vàng ở TPHCM. Người dân có xu hướng chuyển sang trữ vàng nhẫn
Ảnh: HỒNG THÚY
Vàng miếng mua ngầm, bán chui
Vì sợ mua vàng miếng khó khăn, nhiều người dân đã chuyển sang mua, cất trữ vàng nhẫn. Ở nhiều tiệm vàng, trên quầy kệ trước đây trưng bày vàng miếng nay đã chuyển sang vàng nhẫn, dù vàng miếng vẫn được mua ngầm, bán chui. Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) vàng ở Hà Nội cho biết có khách hàng của ông đi vài chục cây số, mất nửa ngày trời chỉ để bán vài lượng vàng miếng… vì sợ bị phạt. Giao dịch vàng miếng quá khó khăn, người dân buộc phải chuyển sang vàng nhẫn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn.
Một số DN vàng như: Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng Bảo Tín Minh Châu… đều tung ra thị trường các loại vàng nhẫn nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Loại vàng nhẫn ép vỉ, chất lượng vàng 999,9, giống vàng miếng, được quảng bá nhiều và khách hàng lựa chọn. Vàng nhẫn có nhiều loại, tùy túi tiền của khách hàng, như loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 10 chỉ… không khác vàng miếng.
Đại diện SJC cho biết một số tiệm vàng ở các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Tây lo ngại giao dịch vàng miếng khó khăn đã chuyển sang vàng nhẫn, có thể tự sản xuất hoặc lấy hàng của SJC về bán. Như vậy, chủ trương hạn chế giao dịch vàng miếng đang gặp phản ứng mạnh trên thị trường. Vàng miếng từ hình chữ nhật đã biến thái thành nhẫn tròn to đùng - tức bản chất không đổi mà chỉ thay hình thức, tăng thêm tiền gia công.
Vàng nhẫn dễ giao dịch không kém vàng miếng
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Kinh doanh PNJ, phân khúc vàng nhẫn có thể sẽ cạnh tranh gay gắt bởi không chỉ các thương hiệu lớn tham gia sản xuất, phân phối mà mỗi tiệm vàng, thợ kim hoàn đều có thể làm ra sản phẩm vàng nhẫn. Có điều, chất lượng, hàm lượng vàng của các tiệm sẽ khác nhau và không hoàn toàn là vàng 999,9. Việc mua bán của người dân với vàng nhẫn chủ yếu dựa vào “uy tín” của chủ tiệm vàng, thay vì thương hiệu như vàng miếng. Kết quả, người mua vàng có thể gặp rủi ro vì “mua đâu bán đó” hoặc bị ép giá khi bán ở tiệm khác, nếu chẳng may tiệm vàng cũ đóng cửa.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc DN chuyển sang sản xuất, kinh doanh vàng nhẫn được xem là phản ứng của thị trường đối với chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước. “Hạn chế điểm mua bán vàng miếng, trong khi nhu cầu bảo toàn tài sản vì lo ngại tiền đồng mất giá, lạm phát gia tăng, buộc người dân phải tìm đến vàng nhẫn” - một chuyên gia kinh tế nhận xét.
Mặt khác, vàng nhẫn cũng là sự lựa chọn của người có nhu cầu tích lũy khi giá vàng miếng SJC cách biệt cao với giá thế giới, có lúc lên tới 4 -5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn có giá mềm hơn, tiền công chỉ khoảng 100.000 đồng/lượng và dễ giao dịch không kém vàng miếng.
Đây không phải lần đầu thị trường xôn xao vì vàng nhẫn. Trước đó, hồi tháng 3-2011, sau thông tin cấm giao dịch vàng miếng, thị trường đã lên cơn “sốt” nhẫn tròn trơn. Đến nay, nhu cầu vàng nhẫn quay trở lại, tuy chưa gây ra những cơn “sóng” lớn ảnh hưởng đến thị trường hay tác động lên tỉ giá ngoại tệ nhưng việc người dân chọn vàng nhẫn có thể kích thích nhập lậu vàng, khi chênh lệch với giá thế giới quá cao.
Bình luận (0)