Các cơ quan chức năng 2 tỉnh Đắk Lắk, Kiên Giang đang thu thập bằng chứng, hồ sơ để đòi lại thương hiệu nổi tiếng của mình. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng từng rất vất vả trong các vụ kiện đòi thương hiệu bị đánh cắp.
Sơ hở là mất
Được thành lập từ năm 1980, Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Tổng hợp Đông Á với sản phẩm kẹo dừa Bến Tre đã trở thành một thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường trong nước và nước ngoài. Công việc làm ăn tiến triển rất tốt. Mỗi năm, ngoài việc cung cấp cho các thị trường nội địa, kẹo dừa Bến Tre còn được xuất qua các nước lân cận.
Đến năm 1998, công ty có doanh số tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc khá cao, trung bình mỗi lần xuất đi hơn chục ngàn tấn kẹo dừa. Hằng năm, lượng kẹo dừa xuất khẩu của Đông Á qua Trung Quốc từ 900.000 đến 1 triệu tấn. Bỗng nhiên doanh số của công ty sụt giảm mạnh. Tìm hiểu sự việc, bà Nguyễn Thị Tỏ (Hai Tỏ), chủ thương hiệu kẹo dừa Bến Tre, phát hiện Công ty Rừng Dừa ở Trung Quốc đã lấy thương hiệu của bà sản xuất kẹo dừa, bán tràn lan trên thị trường.
Kể lại chuyện này, ông Vũ Văn An, Giám đốc điều hành Công ty Đông Á (cháu ngoại của bà Hai Tỏ), cho biết DN Trung Quốc sau một thời gian hợp tác làm ăn với công ty đã tự tìm đến các thương lái thu mua kẹo dừa, mang về nước rồi gắn mác kẹo dừa Bến Tre để bán ra thị trường. Đáng nói DN này còn giành quyền đăng ký bảo hộ thương hiệu kẹo dừa Bến Tre ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, chất lượng kẹo dừa của công ty này không tốt đã ảnh hưởng đến thương hiệu kẹo dừa Bến Tre, đồng thời làm sụt giảm doanh số của Đông Á.
Bất ngờ hơn, sau khi DN Trung Quốc đăng ký quyền bảo hộ nhãn hiệu, kẹo dừa Bến Tre của Đông Á xuất sang nước này trở thành “hàng giả, hàng dỏm”. “Bà ngoại tôi đã sang tận Trung Quốc kiện đòi lại thương hiệu này. Với sự giúp đỡ của tỉnh Bến Tre, tốn bao công sức đi lại, cuối cùng cơ quan chức năng Trung Quốc cũng yêu cầu DN làm giả kẹo dừa kia phải trả lại thương hiệu cho chúng tôi sau 2 năm trời” - ông Vũ Văn An kể lại.
Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk. Ảnh: CAO NGUYÊN
Mới đây, đến lượt hàng loạt chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của Việt Nam như cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Đắk Lắk, nước mắm Phú Quốc bị các DN nước ngoài giành quyền đăng ký bảo hộ ở các thị trường trọng điểm. Tháng 6-2011, trong những lần lên mạng tìm kiếm tài liệu, luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Tư vấn Sở hữu công nghiệp Bross & Partners có trụ sở tại Hà Nội, phát hiện chỉ dẫn địa lý Buon Ma Thuot, cả tiếng Latin và tiếng Trung Quốc đã bị một DN ở Quảng Châu (Trung Quốc) đăng ký bảo hộ, được cấp chứng nhận bảo hộ nhóm sản phẩm 30 (cà phê).
DN này sẽ được bảo hộ trong vòng 10 năm từ tháng 11-2010. Chủ DN này còn tiếp tục đăng ký và được bảo hộ logo “Buon Ma Thuot Coffee - 1896” tại Trung Quốc từ tháng 6-2011. Ông Vinh đã làm văn bản gửi Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đắk Lắk thông báo chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd giành quyền đăng ký.
Tương tự, thương hiệu nước mắm nổi tiếng của Phú Quốc cũng bị một DN tại Mỹ là Viet Huong Fishsauce giành quyền đăng ký bảo hộ từ năm 1982. Theo đó, các sản phẩm của công ty này từ năm 1982 đến nay đều sử dụng nhãn hiệu “nước mắm Phú Quốc” có hình con cá cơm, đảo Phú Quốc và bản đồ Việt Nam. Đến năm 2006, nhãn hiệu nước mắm nổi tiếng của Việt Nam xuất hiện ở nhiều nước châu Âu, Úc, Thái Lan, Trung Quốc… nhưng là sản phẩm của Viet Huong Fishsauce.
Đến tháng 5-2011, một DN tại Hồng Kông là Công ty TNHH Thương mại Việt Hương (Viet Huong Trading Company Limited) cũng nộp đơn lên cơ quan chức năng đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu Phú Quốc cho nhóm hàng hóa 30 (trong đó có nước mắm) trên lãnh thổ Trung Quốc. Cũng phải nói thêm, thủ phủ cà phê lớn nhất cả nước Đắk Lắk không chỉ có cà phê Buôn Ma Thuột bị DN nước ngoài giành mất mà cả thương hiệu cà phê Đắk Lắk từ lâu cũng bị một DN tại Pháp đăng ký bảo hộ tại hơn 10 quốc gia. Trong khi đó, từ năm 1995, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý lập hồ sơ bảo hộ tên gọi cà phê Buôn Ma Thuột và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận vào năm 2005, công nhận bảo hộ quốc gia chỉ dẫn địa lý này đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta.
Gian nan kiện đòi
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Việt Hùng, nguyên cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, nhận định chuyện bị đánh cắp thương hiệu không chỉ xảy ra đối với DN Việt Nam mà khá phổ biến ở các nước. “Đây là hiện tượng quốc tế, là hành vi chiếm đoạt nhãn hiệu hoặc trục lợi qua việc đăng ký nhãn hiệu” - ông Hùng nói.
Theo luật sư Lê Quang Vinh, để đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, sớm nhất cũng phải mất từ 2 đến 3 năm. Nếu có thúc đẩy bằng biện pháp ngoại giao, nhanh nhất cũng phải 1 năm rưỡi, chưa kể khoảng 6 tháng chuẩn bị hồ sơ và thu thập bằng chứng. Việc đòi lại thương hiệu trên thực chất là vụ khiếu nại hành chính theo Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, do mỗi năm, cơ quan chức năng Trung Quốc phải giải quyết khoảng 1 triệu đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nên bị quá tải. Các vụ giải quyết khiếu nại, tranh chấp cũng bị quá tải khiến nhiều vụ việc kéo dài thời gian xử lý. “Vụ khiếu nại cà phê Buôn Ma Thuột, nếu chiếu theo các luật của Trung Quốc và thông lệ quốc tế thì không quá phức tạp. Quan trọng là có “bệnh” nào phải trị đúng “thuốc” đó” - ông Trần Việt Hùng nói.
Riêng về nước mắm Phú Quốc, theo luật sư Lê Quang Vinh, điều quan trọng lúc này là xác định được thời điểm 3 tháng hết hạn khiếu nại, khi cơ quan chức năng Trung Quốc chưa cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ. Câu chuyện bị đánh cắp thương hiệu của các DN Việt Nam không mới nhưng cho đến nay, việc xử lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn còn khá lúng túng, phản ứng chậm.
Chẳng hạn, từ năm 1982, nước mắm Phú Quốc đã bị một DN tại Mỹ đăng ký bảo hộ nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp phòng bị. Trên thực tế, nước mắm Phú Quốc chỉ mới được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam. Điều này có nghĩa là ông chủ của thương hiệu này không thể ra nước ngoài kiện các DN khác đánh cắp, làm giả thương hiệu của mình. Hiện đã có hồ sơ xin đăng ký chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc nộp ở các nước châu Âu nhưng chưa được xét.
Từ thực tế này, ông Trần Việt Hùng cho rằng nếu là thương hiệu của DN bị đánh cắp, họ sẽ phản ứng nhanh bởi đó là tài sản riêng của DN. Và câu chuyện đi đòi thương hiệu của bà Hai Tỏ với kẹo dừa Bến Tre là một ví dụ điển hình.
Với các chỉ dẫn địa lý như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc… là tài sản chung của địa phương và Nhà nước, rất nhiều cá nhân được hưởng lợi từ các thương hiệu này nên đến khi xảy ra sự cố, phản ứng của cơ quan chức năng cũng chậm do vướng cơ chế… |
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Sau bài học kiện đòi thương hiệu, chủ nhân của kẹo dừa Bến Tre rút ra kinh nghiệm xương máu: “Phải tự cứu mình và đi trước một bước”. Hiện chủ thương hiệu này đang xúc tiến thủ tục đăng ký bảo hộ ở các thị trường Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ… “DN không thể đăng ký bảo hộ ở tất cả các nước trên thế giới nhưng có thể “đi trước” ở thị trường mà mình nhắm đến sẽ xuất khẩu, thị trường tiềm năng. Việc đăng ký cũng không quá phức tạp, quan trọng là mình hiểu rõ thủ tục pháp lý của nước đó. Hiện chúng tôi đang xúc tiến đăng ký bảo hộ tại Ấn Độ và mọi việc khá suôn sẻ” - ông Vũ Văn An cho biết.
Những gian hàng bán sản phẩm kẹo dừa Bến Tre. Ảnh: MINH SƠN
Luật sư Lê Quang Vinh cho rằng một thương hiệu muốn được bảo vệ ở nước ngoài phải áp dụng hai biện pháp. Một là, hủy bỏ tình trạng mạo danh, bỏ trạng thái lợi dụng quyền được bảo hộ để lừa dối người tiêu dùng. Hai là, DN phải đăng ký là chủ sở hữu của thương hiệu đó ở những thị trường quan trọng. Đồng quan điểm, ông Trần Việt Hùng nói DN không thể có tiền và điều kiện đăng ký bảo hộ gần 200 nước trên thế giới cho hàng hóa của mình. Thế nên DN cần định hướng thị trường nào sẽ phát triển, có tiềm năng để đăng ký bảo hộ trước.
Chuyên gia tư vấn Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win-Win, nhấn mạnh: “Mỗi DN cần vạch chiến lược dài hạn 5-10 năm cho mình. Trong thời gian này, thị trường xuất khẩu mà DN hướng đến là nước nào để đăng ký bảo hộ trước khi hàng hóa xuất khẩu sang. Trước nay, DN hầu như chưa có tầm nhìn dài hạn mà vẫn còn kinh doanh theo kiểu được đến đâu hay đến đó. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”. |
Bình luận (0)