Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh gạo kêu ca về điều kiện xuất khẩu gạo khiến họ gặp khó khăn do đầu tư quá lớn vào cơ sở vật chất, không còn vốn lưu động hoặc mất khách hàng vì không được phép xuất khẩu trực tiếp.
Tín hiệu tích cực
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo (Quyết định số 6139/QĐ-BCT năm 2013). Theo đó, việc khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành trực thuộc trung ương; quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo 10.000 tấn/năm, đã được chính thức bãi bỏ.
Ngay khi nhận thông tin, ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc DNTN Cỏ May (Đồng Tháp), đã liên hệ bộ phận pháp chế của công ty để tìm hiểu những tháo gỡ vừa được ban hành. “Dù được trả lời là Quyết định của Bộ Công Thương chưa gỡ bỏ hết những điều kiện làm khó cho DN nhưng tôi cho rằng đây là dấu hiệu hết sức tích cực, tin vui của DN.
Đây có thể là bước đầu tiên để Chính phủ xem xét bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp thực tế quy định trong Nghị định 109. Với điều kiện tự nhiên, năng lực của DN và nhu cầu đa dạng trên toàn cầu về gạo, tôi tin rằng nếu những ràng buộc không cần thiết được bãi bỏ thì có thể giúp hạt gạo Việt được “cởi trói” và bùng nổ ở thị trường thế giới như cá tra” - ông Thiện tin tưởng.
Còn hiện tại, dù đã đưa gạo mang thương hiệu “Cỏ May” sang bán tại siêu thị của Singapore nhưng do không có giấy phép xuất khẩu, DN phải đi đường vòng bằng cách lập công ty con ở nước này. Dự định của công ty là nếu được phép xuất khẩu sẽ đi vào phân khúc gạo có thương hiệu, tuy sản lượng xuất khẩu hằng năm không nhiều nhưng hiệu quả và DN sẽ mở rộng đầu tư theo nhu cầu thị trường. “Vừa qua, công ty phải từ chối một khách hàng ở châu Phi cũng vì lý do không được phép xuất khẩu” - ông Thiện chia sẻ.
Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định: “Đây là chuyện tốt trong xu thế thị trường cạnh tranh hiện nay. Một đột phá của Bộ trưởng Bộ Công Thương, thể hiện vai trò của Chính phủ kiến tạo”.
Nên kiểm soát gạo tiểu ngạch
Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành Bảy Mập (TP HCM), vẫn mong muốn Chính phủ tiếp tục gỡ bỏ thêm điều kiện với thương nhân gạo. Bà Nhung cho biết DN của bà có kinh nghiệm làm ăn nhiều năm với thị trường Mỹ nhưng hiện phải tạm ngưng do giấy phép xuất khẩu hết hạn.
“Tôi rất buồn là giữa lúc nhiều DN gạo lớn của Việt Nam không vượt được rào kiểm tra của Mỹ, bị trả về thì gạo chúng tôi đang đi suôn sẻ lại không được tạo điều kiện. Công ty chúng tôi đã bị phía Mỹ kiểm tra hơn 20 lần và đều đạt yêu cầu nên dễ dàng thông quan. Nếu bây giờ ủy thác qua một công ty được phép xuất khẩu nhưng chưa tạo được uy tín với Mỹ, bị ách lại kiểm tra nhiều thì tổn phí rất lớn nên chúng tôi chỉ còn cách bỏ đơn hàng” - bà Nhung nói.
Lý do DN của bà Nhung không được cấp phép xuất khẩu là do không bảo đảm yêu cầu về kho chứa, máy xay xát mà nếu đầu tư sẽ mất từ 400-500 tỉ đồng. Dù đã tìm được mặt bằng nhưng công ty chưa dám đầu tư do thị trường còn quá khó khăn, nếu đầu tư để làm cho đơn hàng 2.000 tấn đi Mỹ là lãng phí và dễ sa vào vòng nợ nần.
“Nắm rõ những quy định ngặt nghèo của Mỹ nên chúng tôi biết cách chọn nguyên liệu, cách chế biến và trữ gạo sao cho bảo đảm yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của họ” - bà Nhung phân trần.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), đến thời điểm này, dù nhà nước có bỏ hết những điều kiện ràng buộc như: vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, kho… thì cũng không lo xuất khẩu bát nháo vì cơ bản thị trường đã định hình. “Hiện nay, chỉ có vài DN theo đuổi ngành gạo nhưng vướng giấy phép, mở cho họ là xong. Trước đây, xuất khẩu chủ yếu đi thị trường tập trung, những đơn hàng lớn, những DN nhỏ bán phá giá mới lo, phải khống chế” - ông Đôn nhận xét.
Ông Đôn cho biết Trung Quốc là thị trường chính của gạo Việt (thị phần hơn 35%). Vừa qua, có 22 DN được Trung Quốc cấp phép là một tin vui vì Thái Lan chỉ có 17 DN có giấy phép (sau khi kiểm tra 60 DN). “Hiện nay, Trung Quốc cũng đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn thực phẩm. Vừa rồi, họ sang kiểm tra công ty và hỏi rất nhiều về truy xuất nguồn gốc, để làm được điều này, DN phải kiểm soát được vùng nguyên liệu. Như vậy, việc tổ chức liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đã là yêu cầu của thị trường nhập khẩu, DN không làm thì không bán được hàng nên nhà nước không cần đặt điều kiện” - ông Đôn nói.
Dù vậy, để đi theo định hướng xuất khẩu gạo bền vững, đi chính ngạch với thị trường Trung Quốc, nhà nước cần kiểm soát việc xuất khẩu tiểu ngạch, giúp DN đi hàng chính ngạch không bị cạnh tranh bất bình đẳng.
Nhiều doanh nghiệp thua lỗ
Nguyên giám đốc một DN xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL cho biết vào thời hoàng kim những năm 2008-2012, thế giới tranh mua gạo Việt do cầu lớn hơn cung, nhất là các nước Indonesia, Philippines, Malaysia, Bangladesh… Vào năm 2009, DN ông từng bán được những lô gạo mà lãi lên đến 900 USD/tấn; có thời điểm gạo 25% tấm giá bán lên đến 1.200 USD/tấn. Nghị định 109 ra đời trong hoàn cảnh xuất khẩu gạo đang rất nóng, cầu vẫn chưa đáp ứng được cung.
Đến năm 2013, tình hình thay đổi, các nước nhập khẩu truyền thống của Việt Nam bắt đầu đầu tư để bảo đảm an ninh lương thực, nhiều nước mới tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo khiến DN trở tay không kịp. Đây là giai đoạn các DN phải đầu tư rất nhiều vào cơ sở vật chất theo quy định của Nghị định 109 nên khó khăn về vốn, gặp lúc bí thị trường thì càng thêm khó. Từ năm 2014 đến nay, nhiều DN gạo thua lỗ, phá sản kéo theo nhiều hệ lụy dây chuyền, một số “sếp” DN gạo đã phải vào tù.
Bình luận (0)