Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, mặc dù hiệp định được thực thi vào thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp trên toàn thế giới nhưng trao đổi thương mại 2 chiều nói chung và xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỉ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 34,5 tỉ USD, tăng 11,3%. Trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỉ USD, tăng 21%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, lợi ích mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam thu về chưa xứng với tiềm năng bởi thương hiệu Việt chưa được xây dựng hoặc chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu.
Để DN tận dụng tốt hơn cơ hội từ thị trường EU, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành xử lý vấn đề kết nối cho DN thông qua cập nhật và nâng cấp cổng thông tin FTA (FTAP), để kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, hiệp hội. Đồng thời, đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, tập trung sâu hơn vào các khóa tập huấn, hội thảo ngắn chuyên đề thiết thực với DN, đặc biệt có các chương trình tập huấn dành cho các chủ DN; thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho DN tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối, tạo thuận lợi cho DN tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.
Bình luận (0)