Vài năm gần đây, TP HCM có nhiều chính sách hỗ trợ vốn rất tốt cho doanh nghiệp (DN) phụ trợ. Tuy nhiên, do còn hạn chế về nguồn lực nên các DN không thể xoay xở vay vốn ngân hàng, buộc phải dựa vào những nguồn vốn khác với chi phí cao hay phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, không phát huy được vai trò hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác.
Vốn vẫn là rào cản lớn
Gần đây, khi dự án 2 tỉ USD Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) của Tập đoàn Samsung tại Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) được triển khai, rất nhiều DN kỳ vọng có cơ hội tham gia chuỗi sản xuất của tập đoàn này. Thế nhưng, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý SHTP, cho biết đến nay, mới có một DN Việt là Công ty Minh Nguyên được chọn và sắp tới sẽ có khoảng 2 DN nội địa khác trở thành nhà cung cấp phụ trợ cho Samsung.
Nêu thực trạng số DN ngành cơ khí tham gia được chuỗi cung ứng của các DN, tập đoàn sản xuất tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM, cho biết hiện một số DN đang hoàn thiện hệ thống để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Tuy nhiên, chỉ những DN có sẵn nguồn lực, sản phẩm mẫu để chào hàng và có bước phát triển đột phá mới nắm bắt được cơ hội trở thành nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ cho DN lớn. Công ty Minh Nguyên gần đây đã đầu tư xây dựng khu nghiên cứu ứng dụng và sản xuất công nghệ cao với tổng số vốn hơn 1.600 tỉ đồng. DN này sẽ sản xuất các linh kiện điện tử bằng nhựa, kim loại, chế tạo khuôn mẫu ngành nhựa, dập kim loại…
Theo ông Lê Hoài Quốc, khó khăn nhất của DN phụ trợ trong nước lúc này vẫn là vốn. Bởi lẽ, muốn trở thành nhà cung cấp phụ trợ, DN phải đầu tư đủ lớn để làm ra sản phẩm đạt yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và giá thành cạnh tranh. DN trong ngành công nghiệp phụ trợ đa số quy mô vừa và nhỏ nên vốn không lớn, muốn vay vốn ngân hàng phải có tài sản thế chấp và tiếp cận vốn cũng không dễ. Đây thật sự là thách thức với DN ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ông Kiều Huỳnh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt (Vietsteel), chỉ ra rằng nếu lĩnh vực thương mại chỉ cần 3-6 tháng để quay vòng vốn lưu động thì trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp phụ trợ cần đến 9-12 tháng. Vì vậy, với quy định vay vốn lưu động đáo hạn trong vòng 6 tháng hiện nay, các DN này rất mệt mỏi do chưa thu hồi vốn đã phải lo đáo hạn. Với khoản vay trung và dài hạn cho đầu tư phát triển cũng vậy. DN đầu tư nhà xưởng, công nghệ mất ít nhất 2 năm, trong khi khoản vay trung, dài hạn chỉ cho 5-7 năm, DN chưa kịp hoàn vốn đã phải lo trả nợ ngân hàng. Ngoài ra, áp lực lãi suất không ổn định cũng khiến các DN lo ngại, không dám vay.
Theo ông Sơn, hiện các ban, ngành đều mong muốn giúp DN nhưng nhiều quy định, nhiều thủ tục... quá khiến DN chạy theo hụt hơi. Những DN làm thật thì không đủ người và thời gian hoàn thành các hồ sơ để được hưởng ưu đãi của nhà nước.
Nhà nước cần tạo ra thị trường
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, thừa nhận những DN cơ khí nói riêng và DN phụ trợ rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vì nếu DN không có tài sản thế chấp hoặc phương án kinh doanh khả thi thì sẽ không được ngân hàng chấp nhận.
Từ năm ngoái, cả Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều thúc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tín chấp để hỗ trợ DN nhưng không nhiều ngân hàng mặn mà. Cho vay tín chấp trong bối cảnh nợ xấu còn cao và chưa xử lý triệt để như hiện nay khiến nhiều ngân hàng dè dặt. Quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, thậm chí cả TP HCM, cũng hoạt động ì ạch và số lượng DN được quỹ hỗ trợ để tiếp cận vốn cũng quá ít.
Để giải quyết tình trạng DN phản ánh không vay được vốn, từ đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Sở Công Thương TP HCM và các đầu mối hiệp hội DN lên danh sách các DN gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để có hướng tháo gỡ. Sau đó, khoảng 18 DN đủ điều kiện nhưng không tiếp cận được vốn phản ánh đã được các ngân hàng thương mại giải quyết. Đến đầu năm 2016, Sở Công Thương TP tiếp tục gửi danh sách một số DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ xin vay vốn. Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá hồ sơ của từng DN rồi gửi cho ngân hàng thương mại thẩm định để có hướng tháo gỡ.
“Dự kiến cuối tháng 4-2016, những DN này sẽ được hỗ trợ giải quyết nhu cầu vay vốn. Do đó, những DN nào đủ điều kiện mà không tiếp cận được vốn cứ thông qua các đầu mối sở, ban, ngành, quận, huyện hoặc phản ánh trực tiếp tới đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước để chúng tôi xử lý” - ông Minh khẳng định.
Ngoài vấn đề vốn, ông Đỗ Phước Tống còn cho rằng nhà nước cũng có trách nhiệm mở rộng thị trường, bằng cách tạo ra thị trường từ các gói đầu tư công như đường sắt, tàu điện ngầm… để các DN phụ trợ trong nước tham gia cung cấp, tránh tình trạng mua sắm thiết bị nước ngoài như hiện nay.
Một kiến nghị khác là Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xây dựng danh mục máy móc, thiết bị trong nước chế tạo được cần phải điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, cần tham khảo thông tin từ các hiệp hội ngành nghề địa phương để có danh sách chính xác. Hiện nay, có những sản phẩm do các DN nhỏ và vừa sản xuất rất tốt nhưng không được đưa vào danh mục sản phẩm trong nước sản xuất được.
Ý KIẾN
Ông LÊ HOÀI QUỐC, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM:
Doanh nghiệp nên đi từng bước một
Cửa không đóng hẳn với những DN muốn tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài. SHTP vẫn đang tiếp tục triển khai các chương trình kết nối giữa DN nội địa và DN có vốn đầu tư nước ngoài hiện là vệ tinh cho các tập đoàn đa quốc gia. Chẳng hạn, khi Samsung đầu tư dự án 2 tỉ USD ở SHTP, rất nhiều DN Hàn Quốc đã theo chân vào trở thành vệ tinh. Lúc này, một trong những cam kết phía TP HCM đưa ra là các DN Hàn Quốc phải hỗ trợ DN nội địa tham gia chuỗi sản xuất.
Làm phụ trợ ngay cho Samsung thì rất khó nhưng trở thành nhà cung cấp cho những DN vệ tinh của tập đoàn này là hoàn toàn có thể. DN trong nước cần đi từng bước một để gia tăng về năng lực, quy mô sản xuất. Yêu cầu đối với DN phụ trợ không chỉ đáp ứng về chất lượng sản phẩm mà còn phải ổn định trong thời gian dài.
Ông PHẠM NHƯ BÁCH, Giám đốc Công ty CP Giấy Mai Lan:
Thiếu công nghiệp hỗ trợ, khó cạnh tranh
Một trong những yếu tố khiến DN vừa và nhỏ ngành giấy trong nước kém cạnh tranh so với các nước là thiếu ngành công nghiệp phụ trợ từ sản xuất phụ gia, hóa chất, cơ khí... Đa phần nguyên liệu cho sản xuất giấy phải nhập khẩu nên giá thành sản xuất cao hơn, khó cạnh tranh. Máy móc, thiết bị của DN trong ngành đa phần đều cũ, lại nhập từ Trung Quốc nên năng suất chưa cao. Quy mô các nhà máy của DN nội địa chỉ khoảng vài ngàn tấn/năm, trong khi DN nước ngoài lên tới cả trăm ngàn tấn/năm.
Cũng vì công nghiệp phụ trợ yếu, công nghệ thấp nên việc tái chế giấy phế thải gần như bỏ ngỏ, trong khi nước ngoài đa phần họ tái chế giấy phế thải thành sản phẩm đưa trở lại thị trường với giá rất cạnh tranh. Do đó, gốc rễ của vấn đề lúc này vẫn là công nghiệp phụ trợ.
Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM:
Hãy “đầu tư” vào báo cáo tài chính
Điểm yếu của các DN vừa và nhỏ hiện nay là bộ máy kế toán không hoàn thiện, không có bảng cân đối nên báo cáo tài chính không đầy đủ… Điều đó rất khó khi ngân hàng thẩm định hồ sơ, xác định đúng năng lực tài chính của DN để cho vay.
Thậm chí, một số DN nhỏ báo cáo tài chính không minh bạch, chủ yếu làm báo cáo để quyết toán thuế mà chưa chú trọng vào báo cáo tài chính cho hoạt động thật sự của DN nên không đáp ứng yêu cầu trong hồ sơ vay vốn của ngân hàng.
Linh Anh - Đông Nghi ghi
Bình luận (0)