Kỳ vọng xuất khẩu…
Có thể nhận thấy hai mục tiêu lớn của quy hoạch trong giai đoạn này là nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ô tô trong nước, thực hiện xuất khẩu và xây dựng trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô quốc gia.
Theo dự báo, nhu cầu ô tô của Việt Nam sẽ bùng nổ vào khoảng năm 2020, khi thu nhập bình quân của người dân đạt khoảng 2.844 USD/người/năm và cơ bản hoàn thành các quy hoạch đồng bộ về phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông. Ước tính năm 2020, nhu cầu về ô tô các loại cả nước sẽ hơn 400.000 xe/năm và đến năm 2030 sẽ gần 900.000 xe. Nếu tính theo phương án cao, nhu cầu trong hai thời điểm này khoảng 600.000 xe/năm và 1,8 triệu xe/năm. Trong đó, nhu cầu về xe con chiếm hơn 60%; gần 40% còn lại là xe khách, xe tải, xe chuyên dụng.
Ngành công nghiệp ô tô trong nước ở giai đoạn này sẽ đáp ứng được 71% nhu cầu của thị trường trong nước với năng lực sản xuất 430.800 xe/năm. Tỉ lệ nội địa hóa là 50%-60% đối với các loại xe con, xe khách và xe tải nhẹ. Còn năm 2015, tỉ lệ nội địa hóa là 40%-45%. Tổng xe xuất khẩu trong năm 2015 khoảng 7.000 chiếc, năm 2020 đạt 65.000 chiếc. Giá trị xuất khẩu linh kiện trong hai thời điểm này là 2,5 tỉ và 4 tỉ USD...
Một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô nhận xét cả hai chỉ tiêu nội địa hóa và xuất khẩu của Bộ Công Thương đặt ra đều không khả thi. Lý do nền tảng công nghiệp ô tô của Việt Nam sau 10 năm xây dựng vẫn không có giá trị gì đáng kể để có thể tăng tốc đạt các mục tiêu quá lớn sau chưa đầy 4 năm nữa...
Rút kinh nghiệm từ thực tế, nhiều nhà máy lắp ráp đơn thuần với quy mô nhỏ sẽ không thể đứng vững khi các loại thuế được dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2018, lần này Bộ Công Thương đề xuất xây dựng hẳn một trung tâm công nghiệp cơ khí và ô tô quốc gia với quy mô lớn tại Chu Lai (Quảng Nam) để kêu gọi các đại gia rót vốn đầu tư. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho trung tâm này là 30.000 tỉ đồng, khi đi vào hoạt động có khả năng đầu tư sản xuất linh kiện phụ tùng đáp ứng nhu cầu nội địa hóa 40%-80% đối với tất cả các dòng xe.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm cơ khí ô tô quốc gia với đối tác ban đầu là các nhà đầu tư Hàn Quốc là Kia và Hyundai. Phía Hyundai đã có kế hoạch đầu tư ở Khu Kinh tế Chu Lai một nhà máy sản xuất động cơ ô tô sản lượng 10.000 động cơ/năm. Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai cũng đang đàm phán với Tập đoàn Kia về dự án sản xuất, lắp ráp ô tô công suất 100.000 xe/năm, đi vào hoạt động từ năm 2015...
Trên cơ sở mục tiêu đó, tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ miễn tiền thuê đất đã có hạ tầng trong suốt thời gian thực hiện dự án; hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng đến chân hàng rào. Đối với chính sách thuế, tỉnh Quảng Nam dự kiến chỉ thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 10% trong vòng 30 năm; miễn thuế TNDN trong 10 năm đầu kể từ khi có lợi nhuận và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, còn có chính sách dãn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, áp dụng quy chế doanh nghiệp chế xuất cho Tập đoàn Hyundai và Kia…
Bộ Công Thương còn đề xuất ưu đãi lớn hơn như áp dụng thuế TNDN 10% suốt đời dự án; miễn thuế 30% đối với các dự án thuộc trung tâm cơ khí ô tô; hỗ trợ 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dự án ô tô có tỉ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên, có tỉ lệ xuất khẩu từ 70%...
Nguy cơ đi vào vết xe đổ
Một số chuyên gia trong ngành cho rằng ngay cả khi xây dựng được trung tâm cơ khí ô tô quốc gia thì công nghệ sản xuất ô tô cũng khó có thể được chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam nên không cần thiết phải ưu đãi lớn. Hơn nữa, rất có thể lặp lại sai lầm trong quy hoạch trước là doanh nghiệp hưởng ưu đãi nhưng không thực hiện đúng cam kết về nội địa hóa, chỉ đơn thuần là lắp ráp, giải quyết công ăn việc làm. |
Bình luận (0)