Đối với ôtô cá nhân đến 9 chỗ ngồi, mục tiêu đến năm 2010, tỉ lệ nội địa hóa sẽ đạt 60% nhưng thực tế mới đạt 7%-10%. Trong khi đó, tỉ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt 65%-70%, riêng Thái Lan đạt tới 80%.
Linh kiện đắt gấp đôi Thái Lan
Những thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô", do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội ngày 22-10, cho thấy bức tranh về ngành công nghiệp ôtô còn nhiều khó khăn.
Nhà máy sản xuất ôtô của Công ty CP Ôtô Trường Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), cho biết đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp (DN) sản xuất liên quan đến ôtô, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Bên cạnh đó, có gần 1.800 DN hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ với khả năng cung cấp và có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, ông Hiếu thừa nhận các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực còn hạn chế. "Công nghiệp ôtô đang đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia khoảng 20 năm, nên cần có chính sách khuyến khích đột phá, cụ thể và thiết thực. Nếu cứ làm như chính sách đang có thì khoảng cách với các nước vẫn như vậy" - ông Nguyễn Trung Hiếu nói.
Theo tính toán của VAMA, tùy mẫu xe, chênh lệch chi phí giữa xe sản xuất tại Việt Nam cao hơn sản xuất ở một số nước ASEAN từ 10%-20%. Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam (TMV), dẫn chứng nắp bình xăng sản xuất trong nước được DN báo giá 4 USD trong khi hàng Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chỉ bằng một nửa. "Khoảng chênh lệch này còn lớn hơn với những linh kiện có giá trị cao hơn" - chủ tịch VAMA nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định với quy mô thị trường của Việt Nam khoảng 100 triệu dân, sức mua tầng lớp trung lưu ngày càng tăng trưởng cũng như nhu cầu sở hữu ôtô chuyển dịch từ xe 2 bánh sang 4 bánh là tất yếu nên dư địa thị trường sẽ rất tốt. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được từ nhu cầu sức mua đó trở thành sự phát triển công nghiệp cần chuẩn bị rất nhiều từ phía DN như tăng sức cạnh tranh, hạ chi phí và sự hỗ trợ ổn định đồng bộ của nhà nước.
Thay đổi chính sách thuế, tín dụng
Ghi nhận những phản ánh từ phía DN, hiệp hội, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng yếu tố then chốt để thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô chính là những hỗ trợ liên quan đến chính sách thuế, tài chính. Theo bà Tuệ Anh, công nghiệp ôtô là một trong 6 ngành được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển nhưng đến nay vẫn còn rất khiêm tốn.
Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), bà Nguyễn Thị Hải Bình, cho biết Việt Nam đã có một số chính sách để hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp hỗ trợ nhưng lại nằm rải rác trong nhiều văn bản, quy định khác nhau dẫn đến thiếu đồng bộ trong một số chủ trương. Do đó, bà kiến nghị Bộ Tài chính rà soát lại các loại thuế, Bộ Công Thương hoàn thiện các danh mục ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất ôtô.
Một vấn đề quan trọng được bà Nguyễn Thị Hải Bình lưu ý là tạo cơ chế quản lý hành chính thuế, thủ tục hành chính về thuế thông thoáng, hỗ trợ tốt cho các nhà đầu tư và DN. "Ngoài chính sách thuế, cần thêm chính sách tài chính khác liên quan đất đai, tín dụng để triển khai các cụm công nghệ ôtô theo chuỗi giá trị" - bà Bình đề xuất.
Các chuyên gia cũng hiến kế để thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hóa cần thực hiện miễn thuế tiêu thụ đặc biệt phần linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước. Đồng thời, ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ, ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ôtô.
Ngoài ra, trước những bước tiến còn chậm của ngành công nghiệp ôtô, TS Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), mong muốn có các chính sách về ưu đãi tín dụng, bảo lãnh tín dụng, các quỹ hỗ trợ DN chế tạo, công nghiệp hỗ trợ tiếp cận được nguồn vốn.
Công bố Sách trắng Công nghiệp đầu tiên của Việt Nam
Cùng ngày, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) đã công bố Sách trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019. Sách trắng được xây dựng trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế". Sách Trắng đã chỉ ra những nút thắt và các vấn đề bất cập cần được khắc phục ở cả cấp vĩ mô và cấp ngành. Những kiến nghị của Sách trắng sẽ được xem xét trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp của Chính phủ, nhằm tăng cường vai trò của ngành chế biến chế tạo.
Bình luận (0)