Theo báo cáo của Hepza, tình hình thu hút đầu tư vào KCX-KCN trên địa bàn TP HCM trong 6 tháng đầu năm rất khả quan. Đến ngày 30-6, tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và điều chỉnh là 384 triệu USD, đạt hơn 76% kế hoạch năm và tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, đầu tư nước ngoài đạt gần 160 triệu USD, tăng 24%; đầu tư trong nước khoảng 224 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích đất cho thuê đạt 67,67 ha, tăng gấp 1,74 lần so với cùng kỳ năm 2016; diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 59.729 m2, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ.
Sáu tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp TP HCM tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước Ảnh: TẤN THẠNH
Dù thu hút đầu tư tăng mạnh nhưng theo ông Nguyễn Tấn Phước, Phó trưởng Ban Quản lý KCX-KCN TP HCM, sức cạnh tranh của các KCX-KCN TP HCM đang kém hơn các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai... do chi phí đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng cao.
Theo Sở Công Thương TP HCM, đang có sự chuyển dịch cơ cấu trên địa bàn theo quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu của UBND TP. Ông Trần Trí Dũng, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp Sở Công Thương, cho biết 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp TP HCM tăng 7,5% so với cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu có tốc độ tăng khá cao.
Liên quan đến hoạt động cải cách thủ tục hành chính, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan và đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao năng lực điều hành và đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính. Với quan điểm không để doanh nghiệp tìm đến phản ánh khó khăn mà các đơn vị thuộc ngành công thương phải chủ động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Bình luận (0)