Khác biệt so với Trung tâm thông tin tín dụng
Theo "Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2012" công bố sáng 8-9, có 9 trong trong số 32 ngân hàng được phân loại đánh giá xếp vào hạng A, loại có năng lực cạnh tranh tốt nhất thị trường.
Top thứ 2, xếp loại B với năng lực cạnh tranh khá, gồm 9 ngân hàng. Nhóm C (năng lực cạnh tranh trung bình) có 10 ngân hàng và nhóm cuối cùng là D (năng lực cạnh tranh hạn chế) với 3 ngân hàng.
Với kết quả trên, các ngân hàng có thứ hạng thấp đều tỏ ra "không phục". Lý do được một số nhà băng đưa ra là tổ chức công bố xếp hạng năng lực cạnh tranh trên đã không hề liên lạc, tiếp xúc hay phỏng vấn họ trước đó.
"Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody's luôn làm việc rất nghiêm túc và chi tiết với chúng tôi trong nhiều ngày trước mỗi lần công bố chỉ tiêu tín nhiệm", lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết.
Đại diện Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MaritimeBank) - nhà băng bị xếp hạng nhóm B cũng cho hay, Công ty CRV chưa từng tiếp xúc với ngân hàng để lấy số liệu cũng như phỏng vấn, tìm hiểu.
"Nếu so sánh bảng xếp hạng lần này với bảng xếp hạng tín dụng của Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) đầu năm thì quá khác biệt. Maritime Bank nằm trong G12, nhóm các ngân hàng lớn chi phối 85% thị phần cả nước và cũng được xếp vào nhóm các ngân hàng được cấp hạng mức tín dụng cao nhất trong năm 2012", đại diện nhà băng này lý giải.
Một lãnh đạo của Ngân hàng Phương Đông OCB cho rằng, bảng đánh giá này chưa thể hiện tiêu chí rõ ràng nên kết quả không khách quan, do đó khó thuyết phục được các nhà băng.
"Chúng tôi không biết họ căn cứ trên tiêu chí gì để đưa ra bảng xếp hạng như vậy. Bởi có những nhà băng thuộc nhóm 1, 2 do Ngân hàng Nhà nước xếp hạng mới đây thì giờ lọt vào nhóm C", ông nói.
Lãnh đạo một nhà băng được xếp vào nhóm D mặc dù không đưa ra bình luận về kết quả xếp hạng này nhưng cho biết "không lo lắng" và "không quan tâm" đến kết quả này. "Chúng tôi mặc dù quy mô không phải ngân hàng lớn nhưng kể từ khi hoạt động đến nay chưa từng phải vay bắt buộc ở Ngân hàng Nhà nước, chưa bao giờ phải thuộc diện tái cơ cấu... nên chúng tôi không lo ngại", vị lãnh đạo này bày tỏ.
Đại diện một ngân hàng trong nhóm G12 chia sẻ thêm, việc xếp hạng chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp chỉ đáng tin cậy khi tổ chức đánh giá là một đơn vị có uy tín, đủ nghiệp vụ và chức năng, đủ thông tin và đưa ra được các tiêu chí toàn diện và phù hợp.
"Nếu không hội tụ đủ các yếu tố này, chỉ số được đưa ra có thể sai lệch, không trung thực, làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng tới tâm lý của khách hàng cũng như quyền lợi của những doanh nghiệp được đánh giá", vị đại diện này lưu ý.
Nhiều ngân hàng cũng cho biết sẽ có ý kiến và gửi công văn lên Ngân hàng Nhà nước về kết quả xếp hạng do Công ty CRV công bố.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần được CRV xếp vào nhóm có năng lực cạnh tranh cao bình luận: "Nếu công ty XYZ nào cũng có thể đưa ra đánh giá về công ty xi măng nào tốt nhất Việt Nam, dịch vụ đào tạo giáo dục tốt nhất Việt Nam... thì có thể gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung".
"Trong khi đó, một số nhà băng được xếp vào nhóm A thì có vẻ 'dễ chịu' hơn với kết quả này. Lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho rằng, tuy CVR không tiếp xúc trực tiếp với ngân hàng để lấy số liệu cũng như phỏng vấn, tìm hiểu nhưng họ đã căn cứ trên những tài liệu, báo cáo chính thống do nhà băng công bố. Do đó, kết quả đánh giá xếp hạng này cũng có thể chấp nhận được.
CRV không lấy số liệu từ Ngân hàng Nhà nước
Trao đổi với báo chí ngày 10-9, nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước xác nhận CRV không hề lấy số liệu từ nhà điều hành trước khi công bố xếp hạng năm 2012.
Nguồn tin này cho rằng với lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, nếu đơn vị nào đưa ra những thông tin không chuẩn xác có thể làm ảnh hưởng xấu đến sự an toàn của cả hệ thống. Theo quy định, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc đánh giá xếp hạng năng lực của các ngân hàng thương mại. Quy định hiện hành không cấm các tổ chức độc lập công bố xếp hạng.
"Có thể vì thế mà CRV đã công bố nghiên cứu của mình. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nên lưu ý vấn đề này và kiến nghị đưa ra những quy định chặt chẽ hơn trong việc xếp hạng ngân hàng để tránh xảy ra những hậu quả không mong muốn", ông nói.
Hồi đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã phân nhóm ngân hàng để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012. Khác với "bảng xếp hạng" của CRV, danh tính các nhà băng trong 4 nhóm tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không được công bố chính thức. Một số ngân hàng thuộc nhóm một, được giao chỉ tiêu lớn nhất, đã chủ động cung cấp thông tin ra thị trường.
Năm 2010, một công ty từng gây tranh cãi khi công bố bảng xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng Việt Nam, theo cách các hãng xếp hạng lớn thế giới hay làm. Lúc đó, dữ liệu nghiên cứu không được khai thác trực tiếp từ các ngân hàng mà kết quả nghiên cứu lại động chạm tới vấn đề rất nhạy cảm, đó là hệ số tín nhiệm của ngân hàng.
Đến nay CRV lại đề cập tới lĩnh vực ngân hàng nhưng từ góc độ bớt nhạy cảm hơn - năng lực cạnh tranh.
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho rằng dù là nghiên cứu có tính chất tham khảo, đơn vị công bố cũng có trách nhiệm giải trình về những gì mình làm.
"Hơn nữa, để đánh giá năng lực cạnh tranh hay hệ số tín nhiệm của một ngân hàng, chỉ dựa vào báo cáo tài chính thì chưa đủ. Còn nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới an toàn hoạt động cũng như tính cạnh tranh của ngân hàng, trong đó đặc biệt là năng lực quản trị. Những điều này không thể hiện trong báo cáo tài chính công khai", vị quan chức này bình luận.
Nghiên cứu khi không tiếp xúc với ngân hàng?
Chiều 10-9, đại diện Hội đồng khoa học Công ty CRV - các tác giả của báo cáo này thừa nhận không liên hệ, tiếp xúc với các ngân hàng trong suốt quá trình nghiên cứu.
Theo nhóm tác giả trên, số liệu được sử dụng trong bản báo cáo được lấy từ báo cáo tài chính công khai của các ngân hàng. "Trong báo cáo, chúng tôi cũng đã nêu rõ đây là một phân tích độc lập, chỉ mang tính tham khảo và mong muốn độc giả nhìn nhận bản báo cáo này như một tài liệu tham khảo", một phó Tổng giám đốc của Công ty CRV khẳng định.
Cuối ngày, Công ty CRV cũng gửi thư ngỏ đến độc giả cũng như các ngân hàng về kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh này. Trong thư, Ban biên soạn thừa nhận những thiếu sót và "còn có những điểm chưa hoàn thiện và chưa phản ánh đúng tình hình thực tế về năng lực cạnh tranh của các ngân hàng".
Thay mặt Ban biên soạn, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng biên soạn cho biết: "Chúng tôi đã áp dụng những phương pháp đánh giá của thế giới vào điều kiện Việt Nam mà chưa tính đến đặc thù của thị trường tài chính ngân hàng trong nước".
Ngày 8-9, lễ công bố báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Đây là báo cáo thường niên (đã tiến hành sang năm thứ 3) do Công ty cổ phần xếp hạng tín nhiệm Việt Nam (CRV) thực hiện. Báo cáo năm 2012 có một chương hoàn toàn mới là kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh của 32 ngân hàng thương mại. Theo đó, CRV xếp hạng các nhà băng theo 4 hạng: A (hạng cao nhất - với chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất), B, C, D.
Nhóm A gồm những ngân hàng có năng lực cạnh tranh cao. Thường các ngân hàng này là các tổ chức với sức mạnh thị trường lớn, năng lực tài chính ổn định, hoạt động kinh doanh hiệu quả và tiềm năng phát triển dài hạn.
Hạng B gồm ngân hàng có khả năng cạnh tranh khá. Thường các ngân hàng này là những tổ chức có sức mạnh thị trường tốt, có năng lực tài chính hợp lý và hoạt động kinh doanh ổn định với niềm năng phát triển tốt.
Hạng C là những ngân hàng có năng lực cạnh tranh trung bình. Thường các ngân hàng này có sức mạnh thị trường hạn chế nhưng đem lại giá trị cho ngân hàng. Ngân hàng có năng lực tài chính chấp nhận được và hoạt động kinh doanh ổn định, hoặc có năng lực tài chính tốt với hoạt động kinh doanh kém ổn định hơn.
Hạng D là ngân hàng có năng lực cạnh tranh hạn chế. Những ngân hàng này thường bị hạn chế bởi một hoặc nhiều hơn những yếu tố sau: Mạng lưới kinh doanh yếu, sức mạnh thị trường yếu, năng lực tài chính chấp nhận được và hoạt động kinh doanh kém ổn định.
Bình luận (0)