Dự án điện gió vừa được khởi công tại tỉnh Sóc Trăng hồi đầu năm của Công ty Ecotech Việt Nam nhưng lại lâm vào tình trạng "bất động".
Hồi hộp chờ gia hạn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Anh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Ecotech Việt Nam, ngao ngán: "Theo yêu cầu phòng chống dịch, chúng tôi đã cho công nhân nghỉ. Các nhà thầu cũng nghỉ, cơ quan nhà nước dừng họp hành và những việc không quá cấp thiết. Mọi thứ đều không chạy được trong khi còn rất nhiều việc phải làm, như đất đai đang nằm chờ giải phóng mặt bằng".
Ông Tùng cho biết một trong những khó khăn của đầu tư điện gió là trên thế giới không có nhiều nhà máy chế tạo tua-bin. Chưa kể, xu hướng làm điện gió quy mô lớn trong khu vực đang rất phát triển, khiến các dự án điện gió tại Việt Nam bị cạnh tranh về cả giá và thời gian giao hàng. Bình thường, nếu đặt hàng tua-bin vào tháng 3-2020 thì đến tháng 3-2021 mới giao hàng. Nhưng do đang dịch Covid-19, các nhà xưởng chế tạo tua-bin gió cũng gặp nhiều khó khăn, giá thành bị đội, sai lệch thời hạn giao hàng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhà đầu tư Việt Nam.
Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ, tỉnh Phú Yên có tổng công suất gần 46 MW đã hòa lưới điện vào ngày 27-6-2019. Ảnh: HỒNG ÁNH
Công ty của ông Lê Anh Tùng chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư điện gió đang bị ách tắc. Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, đánh giá do nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan, nhiều dự án điện gió đang thi công đứng trước nguy cơ đội vốn và chậm tiến độ, khó đáp ứng mục tiêu đưa vào vận hành trước ngày 1-11-2021 để được hưởng mức giá 9,8 cent/KWh đối với dự án điện gió ngoài khơi và 8,5 cent/KWh cho dự án trên bờ.
Trong khi đó, DN phải chạy kịp tiến độ này, cộng với điều kiện dự án có tiềm năng gió tốt, có nguồn vốn vay hợp lý và lựa chọn được thiết bị phù hợp mới có lãi. Chưa hết, thi công một dự án điện gió luôn bị kéo dài, thường là 12-18 tháng, so với chỉ mất từ 5-12 tháng của điện mặt trời. Đó là lý do khiến nhiều DN điện gió mong muốn được gia hạn trong bối cảnh này. "Chỉ khi chạy kịp tiến độ để có giá tốt, đồng thời dự án có nguồn gió tốt, lãi suất hợp lý, DN mới có lãi và sớm hoàn vốn" - ông Thịnh nói thêm.
Bởi vậy, ông Thịnh đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành nên xem xét gia hạn chính sách ưu tiên phát triển điện đến hết năm 2022. Bộ Công Thương mới đây cũng mạnh dạn đề xuất gia hạn chính sách này đến năm 2023, sau khi nhận được nhiều kiến nghị từ các địa phương về việc xin gia hạn thêm 1-2 năm.
Giá điện mặt trời quá thấp
Với các dự án điện mặt trời, dù nhận được tín hiệu đáng mừng hơn khi Bộ Công Thương công bố giá mua điện mặt trời mới áp dụng cho tới hết năm 2020 nhưng các chủ đầu tư vẫn chưa hết lo.
Theo Quyết định 13/20202/QĐ-TTg, giá mua điện mặt trời nối lưới trên mặt đất với mức 7,09 cent/KWh sẽ được áp dụng với các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 23-11-2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1-7-2019 đến ngày 31-12-2020. Với thời hạn hiệu lực này, chỉ còn không tới 8 tháng nữa để chủ đầu tư dự án điện mặt trời đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tăng tốc về đích. Áp lực đến từ thời hạn quá gấp rút trong bối cảnh vận hành của toàn xã hội đang chậm lại bởi tác động của dịch bệnh.
"Việc ban hành giá cố định mới cho điện mặt trời ở thời điểm này là muộn nhưng cũng giúp một số DN triển khai nốt được công việc đang dở dang. Nếu quy định mốc hưởng ưu đãi cho các dự án vận hành thương mại trước năm 2021 và ban hành giá từ quý cuối của 2019 thì DN sẽ có điều kiện xoay xở tốt hơn, bởi sẽ có khoảng 1 năm để triển khai. Hiện nay, tiến độ triển khai công việc trên thực địa không thể nhanh được bởi cả nước đang tiến hành cách ly xã hội để phòng dịch; việc mua sắm trang thiết bị cũng rất khó khi vấn đề giao thương cửa khẩu còn chưa thực sự thông suốt" - một chủ đầu tư điện mặt trời nhận xét.
Ở góc độ giá cả, ông Lê Anh Tùng cho rằng mức giá mua điện mặt trời thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như bảng giá mới được đưa ra không thể coi là khuyến khích năng lượng sạch. "Nội dung này đã được Bộ Tài chính góp ý nhưng tiếc là không được tiếp thu. Với giá 7,09 cent, nếu dự án vay trong nước gần như không làm được bởi lãi suất quá cao. Giá mới thấp hơn mức giá cũ 2,26 cent, khiến doanh thu của DN giảm đi gần 32%, kéo theo lợi nhuận giảm đáng kể. Rất khó để làm với mức giá này" - ông Tùng tính toán.
Chưa kể, giá này áp dụng cho 36 dự án tồn tại từ trước. Như vậy, với các dự án điện mặt trời triển khai sau này, vẫn chưa có cơ chế cụ thể để nhà đầu tư yên tâm. Mặt khác, giá sau mốc ưu đãi nêu trên sẽ không còn ưu đãi nữa, tức có thể nói không có chính sách để khuyến khích điện sạch trong bối cảnh hiện nay.
Bình luận (0)