- Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Các mặt hàng điện, xăng dầu, than, nước… là những mặt hàng thiết yếu nên sẽ được áp dụng cơ chế thị trường một cách thận trọng hơn, nhưng vẫn phải từng bước theo cơ chế thị trường.
Năm 2011, khi lạm phát tăng cao, sự can thiệp của Nhà nước vào giá điện, xăng có phần mạnh mẽ hơn để kiềm chế lạm phát nhưng vẫn phải theo giá thị trường. Gần đây, Chính phủ cho tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với xăng dầu, mức độ can thiệp của Nhà nước có giảm nhưng vẫn giữ công cụ về thuế, quỹ bình ổn nhằm dự phòng thời điểm cần thiết can thiệp. Còn hiện nay, việc tăng giá xăng dầu lần này do thế giới tăng, liên bộ Công Thương và Tài chính thấy chưa cần thiết phải can thiệp.
* Nhưng bộ đang soạn thảo đề án tháo gỡ khó khăn cho DN tập trung vào vốn, lãi suất, hàng tồn kho nhưng 1 tháng qua, 3 mặt hàng thiết yếu lại tăng giá liệu có mâu thuẫn với đề án? Dự báo CPI sẽ tiếp tục âm tháng tới, CPI âm có phải cái cớ tăng giá xăng dầu?
- Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Khó khăn của DN là phải hỗ trợ nhưng không hề mâu thuẫn với việc điều chỉnh giá các mặt hàng trên theo thị trường. Các ngành sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tồn kho, nguyên nhân bởi điều tiết vĩ mô hoặc do DN không lựa chọn thị trường tốt, kênh phân phối tốt, lựa chọn mặt hàng sản xuất tốt… theo quy luật thị trường sẽ bị đào thải. Xăng dầu không phải muốn tăng là tăng nên hoàn toàn không mâu thuẫn.
CPI 2 tháng liên tiếp âm nhưng không phải cái cớ để tăng giá điện, xăng dầu mà bộ vẫn điều hành bình thường. Xăng dầu tăng do thế giới và DN được tăng theo Nghị định 84 nhưng mức độ tăng thế nào do Nhà nước kiểm soát có nguyên tắc, quy trình, mức tăng… chứ không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng! Các mặt hàng này điều chỉnh theo thị trường, các mức độ khác nhau, không phải vì CPI âm mà tăng hoặc CPI dương mà giảm.
- Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực: Điện là loại hàng hóa đặc biệt nên việc điều chỉnh có chính sách rõ ràng. Từ cuối tháng 11-2011, liên bộ Tài chính và Công Thương đã thống nhất tính toán giá thành điện và có thể đề xuất tăng 10% trong năm 2012 so với năm 2011. Do giá điện quan trọng với đời sống xã hội nên việc điều chỉnh có cân nhắc rõ ràng nên vừa qua ngành điện chỉ tăng 5% là rất thận trọng, sao cho ảnh hưởng thấp nhất đến kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Trong 2 năm 2010, 2011, do phải đảm bảo kiềm chế lạm phát, ngành điện đã bán dưới giá thành và tích lũy khoản lỗ trên 10.000 tỉ đồng do bán dưới giá thành sản xuất và lỗ 25.000 tỉ đồng từ các khoản chênh lệch tỉ giá. Quyết định 24 của Chính phủ đến năm 2013 đưa giá điện tiệm cận giá thị trường đã được cân nhắc và có lộ trình. Đợt điều chỉnh giá điện vừa qua có tính toán để không ảnh hưởng đến hộ nghèo, thu nhập thấp như không tăng giá 50 kWh đầu tiên và thực tế 100 kWh đầu ngành điện vẫn bán giá thấp hơn giá thành sản xuất.
- Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải: Đây là 2 tập đoàn lớn và đều đang gặp khó khăn. EVN gặp khó do tồn đọng nhiều khoản lỗ về tỉ giá, bán dưới giá thành (trừ các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành). Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ có phương án trình Chính phủ để hài hòa lợi ích của 2 tập đoàn.
Bình luận (0)