Sau nửa năm Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong chính sách điều hành kinh tế - xã hội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã giảm mạnh. Nhưng việc giảm lạm phát quá nhanh lại đang đặt ra những thách thức mới cho nền kinh tế mà đáng ngại nhất là tình trạng giảm phát.
Lạm phát âm đầu tiên sau 38 tháng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI của cả nước tháng 6 đã giảm 0,26% so với tháng trước. Như vậy, kể từ tháng 3-2009, đây là lần đầu tiên lạm phát âm sau 38 tháng tăng liên tục.
Sức mua giảm mạnh khiến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng khó khăn. Ảnh: HỒNG THÚY
Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh nhận định: Diễn biến này không bất ngờ vì xu hướng giảm giá liên tục từ đầu năm đến nay của lương thực, thực phẩm, các nguyên liệu đầu vào và đặc biệt là hiện tượng giảm giá tiêu dùng của hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội (giảm 0,17%) và TPHCM (giảm 0,43%) đã kéo giảm CPI cả nước. Mặt khác, theo quy luật, CPI của tháng 6 và quý II thường có mức tăng thấp nhất trong năm.
Đề phòng nguy cơ rơi vào vòng xoáy
Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI mới tăng tổng cộng 2,52%, còn thấp xa so với cả chỉ tiêu lạm phát một con số (khoảng 9%) và chỉ tiêu lạm phát 7% đã điều chỉnh.
Theo TS Vũ Đình Ánh, nhìn từ số liệu CPI 6 tháng, mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2012 ở mức 7%-8% là hoàn toàn có thể đạt được nhưng mặt khác, kịch bản thiểu phát cũng đang trở thành hiện thực. Với tình trạng đình đốn sản xuất như hiện nay, kết hợp với xu hướng giảm giá của các nguyên liệu đầu vào và tăng trưởng tín dụng thấp, dự báo CPI quý III vẫn ở mức rất thấp.
TS Vũ Đình Ánh lưu ý: Từ chỗ lạm phát cao bào mòn của cải xã hội, nền kinh tế đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát kéo theo hàng loạt vấn đề an sinh xã hội như thất nghiệp, tái nghèo.
CPI của một tháng ở mức âm chưa đủ cơ sở để khẳng định nền kinh tế rơi vào thời kỳ giảm phát. Nhưng nhìn từ CPI tháng 6 có thể thấy rằng dấu hiệu giảm phát đã xuất hiện với nguyên nhân cơ bản là tổng cầu đi xuống do hệ quả của việc thắt chặt tiền tệ quá mạnh.
Đây là một vòng luẩn quẩn, giảm tổng cầu dẫn đến giảm giá cả hàng hóa, nợ xấu tăng lên, đình trệ sản xuất, thất nghiệp, thu nhập dân cư giảm và thu nhập giảm lại kéo theo giảm tổng cầu…
Chuyên gia kinh tế -TS Vũ Đình Ánh |
Bình luận (0)