Tiếp nối "cơn địa chấn" hôm 5-2 cuốn bay hơn 8 tỉ USD vốn hóa, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sáng 6-2 một lần nữa "đổ sụp" trước hàng loạt thông tin xấu dồn dập như: chứng khoán Mỹ và châu Á sụt giảm chưa từng có, áp lực bán cổ phiếu (CP) để thu hồi vốn vay (call margin) của các công ty chứng khoán.
Sợ hãi và hy vọng
Cơn hoảng loạn khiến hàng trăm CP giảm sàn la liệt. VN-Index rơi tự do, có lúc rớt tới gần 66 điểm, xuống chỉ còn 982 điểm; HNX-Index cũng giảm tới hơn 7%, lùi sâu về mức 110 điểm. Nhiều nhà đầu tư cá nhân gần như tuyệt vọng nhìn bảng điện dày đặc sắc đỏ và xanh sậm, có người bật khóc cầu mong phép mầu cứu họ vượt qua cơn "sóng thần" này.
Cú giảm sốc 2 ngày liên tiếp khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Trong ảnh: Nhà đầu tư tại một công ty chứng khoán ở TP HCM sáng 6-2 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy vậy, sau đó lực cầu bắt đáy đã mạnh dần lên, áp lực call margin cũng giảm bớt. Nhiều CP vốn hóa lớn tạm thoát khỏi mức giá sàn, thu hẹp mức giảm, thậm chí có mã bật xanh vào cuối phiên như: MSN từ giá sàn bật tăng 1.300 đồng, lên 86.000 đồng/CP; HPG tăng 1.000 đồng; STB tăng 250 đồng; VIC trở lại mức tham chiếu 81.100 đồng/CP… Kết quả, VN-Index thu hẹp mức giảm còn 37,11 điểm (-3,54%) và lấy lại mốc 1.000 điểm trong sự thở phào của nhiều người. HNX-Index cũng chỉ còn giảm 3,31 điểm (-2,78%), đóng cửa tại 115,64 điểm.
Đặc biệt, khối lượng và giá trị giao dịch thị trường trong ngày tăng đột biến lên 607 triệu CP, trị giá 16.951 tỉ đồng; trong đó nhà đầu tư nước ngoài có đóng góp rất lớn với gần 5.700 tỉ đồng. Tuy vậy, với mức giảm khá mạnh trong ngày, vốn hóa TTCK Việt Nam tiếp tục "bốc hơi" hơn 132.000 tỉ đồng, tương đương 5,8 tỉ USD. Tính chung cả 2 ngày "đỏ lửa", vốn hóa thị trường đã mất khoảng 14 tỉ USD, tức hơn 315.000 tỉ đồng.
Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc môi giới Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, cho rằng phiên giao dịch ngày 6-2 có rất nhiều cảm xúc, các chỉ số có lúc giảm mạnh, sau đó hồi lại rồi đóng cửa mức giảm khá mạnh. Nhà đầu tư đi từ trạng thái lo lắng, tuyệt vọng đến hy vọng rồi lại lo lắng.
Các chuyên gia ở Công ty Chứng khoán VPBank cho rằng ngoài áp lực bán mạnh đến từ hoạt động giải chấp margin ở các công ty chứng khoán còn có sự sợ hãi, hoảng loạn trên diện rộng của các nhà đầu tư với lo ngại lịch sử năm 2007 sẽ lặp lại. Tuy vậy, các chuyên gia đánh giá biên giảm mạnh của thị trường chỉ mang tính ngắn hạn như những pha suy giảm tất yếu của quá trình phát triển.
Giảm để tăng trưởng bền vững hơn
Giám đốc đầu tư của một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho biết TTCK giảm mạnh trong 2 phiên liên tiếp với mức chỉ tầm 10%, nếu ai tham gia từ trước thì vẫn có lời, chỉ những ai "nhảy" vô sau để lướt sóng gần đây mới bị lỗ.
Theo chuyên gia này, thực tế thị trường bùng lên trong thời gian gần đây chủ yếu do các quỹ ETF, quỹ đầu tư nước ngoài nhận được dòng tiền "nóng", đặc biệt là từ Hàn Quốc nên họ tập trung mua nhiều CP vốn hóa lớn, từ đó đẩy chỉ số chứng khoán lên nhanh với P/E (hệ số giữa giá CP trên lợi nhuận đạt được) lên đến 21 lần, cao nhất từ trước đến nay. Do đó, nếu VN-Index ở mức 800-900 điểm thì dù chứng khoán Mỹ có giảm sâu, chứng khoán Việt Nam cũng không giảm nhiều. "Tôi quan sát thì chỉ có nhà đầu tư cá nhân bán nhiều trong đợt này, trong khi khối ngoại vẫn mua ròng. Sự giảm sâu của thị trường trong 2 phiên này hoàn toàn không liên quan gì đến nền kinh tế mà đơn thuần chỉ là do chứng khoán Mỹ giảm nên nhà đầu tư hoảng sợ, lo lắng những thành quả đã có trước đây mất đi dẫn tới bán tháo. Điều này chỉ liên quan đến kỹ thuật nên nhà đầu tư đừng lo lắng khủng hoảng như năm 2007" - vị giám đốc đầu tư này nhận định.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng lý do giảm điểm mạnh của TTCK trong 2 phiên vừa qua, ngoài ảnh hưởng việc giảm điểm của thị trường thế giới thì bản thân thị trường đã có những tiêu cực. Cụ thể là thị trường Việt Nam thời gian qua đã tăng điểm mạnh, giá các CP big cap (vốn hóa lớn) lên nhanh hơn so với hiệu quả kinh doanh, hệ số P/E tăng cao, hàng loạt công ty lớn nhà nước thoái vốn hút tiền của nhà đầu tư. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá sắp đến ngày nộp tiền và sắp nghỉ Tết nên mọi người muốn thoát danh mục để giảm chi phí margin...
"Việc giảm giá làm nhà đầu tư thiệt hại đáng kể và nhiều người nghĩ tới khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo ngại bởi trong một chừng mực nào đó, đợt giảm giá cũng có tác động tích cực, giúp nhà đầu tư thận trọng, tỉnh táo hơn. Qua đấy thị trường sẽ sớm ổn định trở lại và tăng trưởng có chọn lọc phù hợp với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế" - ông Hưng đánh giá.
Dự báo về diễn biến sắp tới, chuyên gia Lê Vương Hùng cho rằng lượng CP sẵn sàng bán tháo gần như đã "giải quyết", nhà đầu tư có thể nghĩ tới vùng giải ngân mua CP nhưng cần phải lựa chọn. So với mức đỉnh 1.130 điểm của VN-Index thì mức 983 điểm hiện nay chênh lệch khá cao, tương ứng với 2 tháng giảm, là cơ hội tốt để chọn CP mua vào. Một thông tin hấp dẫn nữa trong phiên này là các nhà đầu tư mới đã vào, những nhà đầu tư cũ cũng quay lại. "Tuy nhiên, chỉ còn 5 phiên giao dịch nữa là nghỉ Tết nguyên đán, nhà đầu tư nên hạn chế mua, đặc biệt là những người dùng đòn bẩy sẽ chịu lãi suất trong 10 ngày nghỉ dù không có giao dịch. Còn nếu mua thì nên chọn mua CP có lực đỡ tốt với thanh khoản trung bình phải trên dưới 1 triệu CP/phiên" - ông Hùng khuyên.
Thế giới chìm trong sắc đỏ
TTCK khắp thế giới chìm trong sắc đỏ hôm 6-2 sau khi tình trạng bán tống bán tháo CP diễn ra tại Mỹ chưa có dấu hiệu bớt đi. Tại châu Á, chỉ số MSCI của các CP châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 3,4%. Thê thảm hơn, chỉ số Nikkei của Nhật giảm đến 4,7%, mức tồi tệ nhất kể từ tháng 11-2016. Các TTCK lớn ở châu Âu cũng đồng loạt sụt giảm từ 3% trở lên ngay khi mở cửa.
Trước đó, khép lại ngày giao dịch 5-2 (giờ Mỹ), theo hãng tin AP, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm đến 1.175 điểm, mức cao nhất từ trước đến giờ. Chỉ số này có lúc giảm đến gần 1.600 điểm trong phiên giao dịch. Còn nếu tính tỉ lệ % (4,6%) thì đây là mức giảm nghiêm trọng nhất kể từ tháng 8-2011. Chịu chung số phận là chỉ số S&P 500 với mức giảm 4,1%. Theo AP, 2 ngày giảm sâu (2 và 5-2) đã xóa sạch toàn bộ mức tăng của TTCK Mỹ kể từ đầu năm 2018.
Theo đài CNN, có một số nỗi lo thúc đẩy làn sóng bán tống bán tháo CP ở Mỹ. Trước hết là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất thường xuyên hơn so với dự kiến để kiềm chế lạm phát. Nỗi lo này xuất phát từ những dữ liệu việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 2-2 cho thấy tiền lương đang tăng ở tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009, đồng nghĩa lạm phát có thể cao hơn. TTCK thường giảm khi lãi suất tăng nhanh. Phản ứng dễ hiểu của các nhà đầu tư là bán CP và rót tiền vào những tài sản hấp dẫn hơn, như trái phiếu Mỹ vốn đang được hưởng lợi từ lợi suất tăng. Ngoài ra, một số nhà phân tích cho rằng thị trường có khuynh hướng không thoải mái khi FED có chủ tịch mới, ông Jerome Powell, hôm 5-2 bởi các nhà đầu tư vẫn chưa rõ về chính sách của nhân vật này.
Dù vậy, theo trang Vox, những gì xảy ra ở Mỹ hôm 5-2 không phải là "tận thế". So với năm 2017, 2 chỉ số Dow Jones và S&P vẫn còn cao hơn 20% và 15%. Ngoài ra, một số nhà quan sát trong những tháng qua dự báo TTCK sẽ có lúc sụt giảm bởi nó đang tăng trưởng quá nóng. Họ cũng cho rằng giá trị CP đang cao hơn giá trị thực nên cần định giá lại. Ông Scott Minerd, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Công ty Dịch vụ tài chính Guggenheim Partners (Mỹ), nhận định sự sụt giảm nói trên là xu hướng có lợi cho các TTCK về lâu dài.
Trong động thái trấn an các nhà đầu tư, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders hôm 5-2 ra tuyên bố nhấn mạnh các yếu tố căn bản của nền kinh tế vẫn còn rất mạnh mẽ, bất chấp TTCK lao dốc. Bà Sanders chỉ ra những điểm tích cực, như tăng trưởng GDP mạnh, tỉ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng, trong lúc cho rằng các biện pháp cắt giảm thuế và nỗ lực bãi bỏ bớt quy định của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục cải thiện nền kinh tế và mang lại thịnh vượng cho người dân. PH.VÕ
Bình luận (0)