Hơn 3 tháng nay, người dân xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM thường lui tới cửa hàng Co.op Smile để mua sắm hàng hóa. Chính thức khai trương vào cuối tháng 12-2016, Co.op Smile là mô hình kinh doanh nhỏ của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op nhằm khai thác phân khúc cửa hàng tiện lợi.
Cuộc chiến giữa các chuỗi
Khác với mô hình cửa hàng Co.op Food đang hoạt động khá hiệu quả theo hình thức siêu thị mini, Co.op Smile là sự nâng cấp của cửa hàng tạp hóa truyền thống và đưa công nghệ hiện đại vào quản lý. Trong diện tích từ 20 đến 200 m2, mỗi cửa hàng Co.op Smile kinh doanh 1.500-2.000 mặt hàng, như thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc, hàng trong danh mục bình ổn thị trường... có nguồn gốc rõ ràng. Cửa hàng này còn có những dịch vụ tiện ích như thu hộ cước điện thoại di động trả sau, điện thoại cố định, internet, truyền hình cáp. Trong năm nay, Co.op Smile sẽ triển khai thêm các dịch vụ ATM, chuyển tiền, nhận hàng DHL, cung cấp các loại thẻ, quầy vé số... Co.op Smile hiện có 13 cửa hàng. Saigon Co.op đang chuẩn hóa hệ thống, xây dựng quy trình để nhượng quyền Co.op Smile không chỉ ở TP HCM mà còn tại một số địa phương lân cận.
Hệ thống cửa hàng Co.op Smile dần thu hút khách
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết mọi hoạt động lên quan đến Co.op Smile nhằm chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh mới trên phân khúc cửa hàng tiện lợi được dự báo sẽ rất sôi động trong thời gian tới, nhất là “người khổng lồ” 7-Eleven sắp khai trương ở Việt Nam.
Đến thời điểm này, mọi thông tin liên quan đến hoạt động của chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Nhật 7-Eleven như tuyển dụng nhân sự, những đồn đoán về hợp đồng mua bán sáp nhập, hợp tác đầu tư... cùng những lo ngại về một cuộc chiến ở phân khúc cửa hàng tiện lợi luôn là đề tài nóng của giới kinh doanh. Xét theo mô hình hoạt động, đối thủ chính của 7-Eleven sẽ là các chuỗi cửa hàng tiện lợi ngoại Circle K, B’s Mart, Minishop, Family Mart... Các chuỗi này đang tích cực củng cố hoạt động, mở rộng chuỗi, tăng mức độ hiện diện và nhận biết trên thị trường. Hệ thống cửa hàng Vinmart+ (Vingroup là chủ đầu tư) - chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Việt Nam hiện có 1.000 điểm bán và sẽ mở thêm 1.000 điểm trong năm nay, có mặt ở 30 tỉnh - thành cũng được xếp vào danh sách đối thủ cạnh tranh của 7-Eleven.
Từ đó, đã có nhiều đồn đoán về sự bắt tay giữa Vinmart+ và 7-Eleven trong thời gian tới, dù đại diện Vingroup đã lên tiếng bác bỏ thông tin này và khẳng định không bao giờ bán hệ thống Vinmart+ vì chuỗi cửa hàng này đang vượt xa các đối thủ, dẫn đầu thị trường về quy mô, độ phủ rộng, tốc độ tăng trưởng và triển vọng kinh doanh. Một đại diện khác của Việt Nam là Satra Food (trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Satra) đang hoạt động theo mô hình siêu thị mini, tuy khá thận trọng trong việc đầu tư phát triển cho mô hình này nhưng cũng tạo được sự chú ý của người dân thành phố.
Sẽ có cuộc sàng lọc gắt gao
Trước những lo ngại 7-Eleven đi vào hoạt động sẽ “càn quét” phân khúc cửa hàng tiện lợi như từng xảy ra tại một số nước, chuyên gia nhượng quyền thương mại Nguyễn Phi Vân cho rằng không nên quá lo lắng. Việc có thêm tên tuổi lớn tham gia sẽ tạo động lực thúc đẩy thị trường phát triển nhanh hơn bởi phân khúc cửa hàng tiện lợi hiện còn ở giai đoạn đầu phát triển, cửa hàng tạp hóa nhỏ vẫn là kênh mua sắm chính chi phối phân khúc này. Do đó, các nhà bán lẻ hiện đại còn nhiều cơ hội để khai phá, phát triển thị trường. Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Những doanh nghiệp (DN) có chiến lược tốt hơn, triển khai nhanh hơn và đầu tư bài bản sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng trong dài hạn. Tương tự như cuộc cạnh tranh ở phân khúc siêu thị trước đây, sắp tới sẽ có sự sàng lọc gắt gao trong phân khúc cửa hàng tiện lợi, các chuỗi nhỏ (10-30 cửa hàng) có thể sẽ phải chuyển đổi hoạt động hoặc mua bán, sáp nhập theo xu hướng chung, chứ khó tồn tại.
Đại diện một hệ thống siêu thị trong nước nhận định với mô hình cửa hàng tiện lợi, phải phát triển nhanh hệ thống mới giảm được chi phí quản trị, vận hành... DN bán lẻ nước ngoài vừa có nhiều kinh nghiệm vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi và nhượng quyền thương mại vừa có tài lực dồi dào, được vay vốn giá rẻ ở nước họ nên lợi thế hơn DN trong nước rất nhiều trong việc mở rộng hệ thống, quản trị lẫn cung ứng hàng. Bên cạnh đó, thủ tục mở cửa hàng tiện lợi lại khá dễ, không bị quy định bởi quy tắc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với việc thành lập cơ sở bán lẻ của DN có vốn đầu tư nước ngoài... sẽ tạo điều kiện cho họ khai thác thị trường thuận lợi hơn. Đã có nhiều DN ngoại “săn lùng” mặt bằng nhỏ để mở cửa hàng, sẵn sàng phá giá thuê mặt bằng để tăng nhanh điểm bán. “Nói vậy không có nghĩa là mình chấp nhận thua. Chúng tôi có những tính toán riêng để giành quyền chủ động trong phân khúc cửa hàng tiện lợi” - vị đại diện này khẳng định.
Bà Nguyễn Phi Vân đánh giá thách thức cho DN bán lẻ Việt sẽ rất lớn, trong khi các DN nước ngoài đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản trị, chuẩn bị khá kỹ cho chiến lược dài hơi thì DN trong nước vẫn còn ở thế đối phó chứ chưa có sự bứt phá riêng. “Nếu theo đúng diễn biến kinh tế thị trường, DN trong nước sẽ đối diện với nguy cơ thua trắng. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trên cơ sở phù hợp các cam kết mở cửa thị trường để tạo cơ sở cho DN nội địa nâng sức cạnh tranh. Quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của DN. Phải có sự lột xác thật sự từ cách nhìn, cách làm của những người chủ DN, sử dụng công nghệ và khai thác các kênh phi truyền thống để mở rộng thị phần và sáng tạo mô hình mới mang tính dẫn dắt, định hướng thị trường. Khó nhưng hy vọng sẽ có DN trong nước làm được” - bà Phi Vân nói.
Mua sắm qua cửa hàng tiện lợi tăng vọt
Khoảng 3 năm trở lại đây, trong khi siêu thị và đại siêu thị tăng trưởng chậm lại thì phân khúc cửa hàng tiện lợi khá sôi động. Theo Bộ Công Thương, đến cuối năm 2016, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm lĩnh phân khúc cửa hàng tiện lợi với 70% thị phần. Khảo sát mới đây của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen về xu hướng mua sắm tại TP HCM và Hà Nội cho thấy người tiêu dùng chọn mua sắm tại kênh tiện lợi đã tăng gấp 3 lần so với năm 2012, từ 5% lên 16%.
Trong khi đó, tỉ lệ người tiêu dùng mua sắm tại chợ truyền thống giảm từ 85% còn 79%, ở cửa hàng tạp hóa từ 60% còn 59%.
Bình luận (0)