Việc nhiều siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống bị phong tỏa do có liên quan ca nhiễm Covid-19, chợ tự phát không được phép hoạt động cộng với hàng loạt giải pháp siết chặt kiểm soát dịch đã khiến thói quen bán buôn, mua sắm của người dân bị đảo lộn.
Hàng về chợ giảm mạnh
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy đến thời điểm này, hàng loạt chợ truyền thống ở TP HCM như: chợ Hòa Hưng, Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Thái Bình, Dân Sinh (quận 1), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8), chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú)... đã tạm ngưng hoạt động vì có ca mắc Covid-19.
Đặc biệt, việc chợ đầu mối Hóc Môn tạm đóng cửa từ ngày 28-6 để phòng chống dịch đã khiến hàng hóa nông sản thực phẩm các tỉnh đưa về TP HCM giảm gần 300 tấn so với ngày hôm trước, chỉ đạt 6.263 tấn/ngày đêm. Trong đó, nhóm mặt hàng thịt gia súc, gia cầm giảm 27%, còn 308,8 tấn; nhóm hàng thủy hải sản giảm 6,7%, còn 556,3 tấn; nhóm hàng rau củ quả, trái cây giảm 1%, còn 5.463,4 tấn.
Lượng hàng hóa ngày thường đưa về chợ đầu mối Hóc Môn đã được các thương lái chuyển về tập kết tại chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền. Cụ thể, lượng rau củ quả về chợ đầu mối Thủ Đức tăng hơn 200 tấn (khoảng 14%) so với ngày 27-6, đạt 2.055 tấn. Còn chợ đầu mối Bình Điền đã tiếp nhận, phân phối 221,3 tấn thịt heo, tăng 58,8% so với ngày 27-6; giá bán thịt heo tại chợ này vẫn ổn định so với các ngày trước như: đùi rọ 92.000 đồng/kg, ba rọi 158.000 đồng/kg, nạc 92.000 đồng/kg. Lượng rau, trái cây về chợ này cũng tăng 22,5%, đạt 337 tấn.
Theo các chợ đầu mối, việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP HCM vẫn tương đối suôn sẻ. "Hầu hết thương lái kinh doanh nông sản đều có mối giao hàng về cả 3 chợ đầu mối nên chợ đầu mối Hóc Môn tạm không tập kết hàng thì họ đưa về chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền. Tuy nhiên, hiện các chợ đầu mối đều đang siết chặt kiểm soát, phòng chống dịch và tâm lý người dân lo ngại dịch bệnh nên lượng khách đi chợ đầu mối càng lúc càng giảm" - đại diện chợ đầu mối Thủ Đức thông tin.
Khu vực bán rau củ ở chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP HCMẢnh: Nguyễn Hải
Siêu thị "chia lửa" với chợ truyền thống
Để góp phần bù đắp lượng giảm sút do chợ đầu mối Hóc Môn tạm đóng cửa, các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng thực phẩm tổng hợp) trên địa bàn TP HCM đã chuẩn bị lượng nông sản, thịt heo tăng 50%-100%. Các nhà bán lẻ cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi lớn, tập trung vào các mặt hàng nông sản, thực phẩm để góp phần bình ổn giá.
Riêng với mặt hàng thịt heo, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã làm việc và đặt hàng để các đơn vị cung cấp thịt heo chủ động có kế hoạch giết mổ, bảo đảm nguồn cung cấp theo kế hoạch tăng sản lượng tiêu thụ lên gần gấp đôi tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food trong khoảng thời gian từ ngày 28-6 đến 4-7.
Saigon Co.op còn một trữ lượng lớn các loại thịt mát, thịt đông lạnh và hàng loạt mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản để kịp thời bổ sung, thay thế nhằm ổn định giá cả thị trường. Các nhà cung cấp thịt heo như Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Xí nghiệp Chế biến thực phẩm Nam Phong, Công ty TNHH Anh Hoàng Thy... cũng đang chạy hết công suất và sẵn sàng giao bổ sung nhiều chuyến trong ngày cho các siêu thị. Hệ thống Vinmart, Vinmart+ cũng đã tăng lượng thịt heo tại các điểm bán gấp 2-3 lần.
Về phía nhà sản xuất, Vissan đã giết mổ thêm hơn 300 con heo để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng trong ngày 28-6. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết sức mua thịt heo tươi sống giảm mạnh từ trước đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và mới dần tăng nhẹ từ khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10. Lượng heo giết mổ duy trì mức 600-650 con trong thời gian dài và tăng dần lên 680-700 con trong vài ngày trở lại đây.
"Bắt đầu từ hôm nay, Vissan giết mổ mỗi ngày 1.000 con heo để cung cấp cho các hệ thống phân phối bán lẻ, các cửa hàng thực phẩm, cửa hàng giới thiệu sản phẩm và các sàn thương mại điện tử, website bán hàng của công ty. Ngoài ra, chúng tôi luôn có lượng gối đầu khoảng 300 con heo đã giết mổ, trữ mát, sẵn sàng đưa ra khi thị trường có biểu hiện hút hàng" - ông An cho hay.
Ngoài thịt heo, với các mặt hàng tươi sống (gia súc, gia cầm), Sở Công Thương TP HCM đã yêu cầu các chuỗi cung ứng của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH San Hà, Vissan, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, Công ty TNHH Fredy... triển khai phương án bổ sung dự trữ hàng hóa tại các điểm bán, tăng cường nhân sự, liên tục đưa hàng lên kệ, tăng thời gian phục vụ.
Rau củ tăng giá
Trái với lo ngại của nhiều người khi chợ đầu mối Hóc Môn - chợ sỉ thịt heo lớn nhất TP HCM - đóng cửa ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo ra thị trường sẽ đẩy giá tăng nhưng thực tế, trong ngày 28-6, giá mặt hàng thịt heo tại chợ đầu mối, chợ lẻ đều khá ổn định. Tại các chợ lẻ, thịt heo đùi dao động quanh mức 150.000 đồng/kg, thịt cốt lết 140.000 đồng/kg, sườn non 153.000 đồng/kg, chân giò 140.000 đồng/kg, ba rọi 180.000 đồng/kg, nạc đùi 150.000 đồng/kg.
Còn tại các siêu thị, bên cạnh việc điều chỉnh giảm giá 3.000 - 4.000 đồng đối với các mặt hàng thịt heo trong danh mục bình ổn giá từ ngày 22-6 đến nay, hầu hết siêu thị đều đang khuyến mãi giảm giá thịt, xương heo nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và góp phần bình ổn giá. Vissan trong ngày 28-6 cũng công bố chương trình khuyến mãi giảm giá các mặt hàng phụ phẩm, đầu lòng heo bên cạnh chương trình khuyến mãi riêng của từng siêu thị.
Trong khi đó, giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là rau củ, tăng vọt so với thời điểm chưa bùng dịch. Cụ thể, trong ngày 28-6, giá một số mặt hàng bầu bí, dưa leo, khổ qua, đậu côve, cải ngọt, ngò rí, xà lách, thủy hải sản... tại 2 chợ đầu mối tăng thêm 1.000 - 5.000 đồng/kg. Lý do tăng một phần do thiếu hụt lượng rau củ quả nhiệt đới từ Tây Ninh (tỉnh này đã tạm ngưng giao nhận hàng hóa với các chợ đầu mối của TP HCM) và các tỉnh đưa về TP tiêu thụ đã giảm mạnh so với 15-20 ngày trước.
Chị Ngọc Ba, tiểu thương bán rau ở một chợ lẻ tại TP HCM, cho biết khoảng 2 tuần trở lại đây, khách đi chợ ngày càng vắng, chỉ được 2 ngày cuối tuần đỡ ế do khách tập trung đi chợ dùng cho cả tuần. Khách vắng, hao hụt cao, các mối giao hàng báo giá tăng, cước vận chuyển từ chợ đầu mối về chợ lẻ cũng tăng cộng với tình trạng sức mua tăng giảm đột ngột nếu có thông tin ca nhiễm mới trong khu vực khiến giá các mặt hàng rau xanh tăng cao so với nửa tháng trước.
Hiện giá khổ qua dao động khoảng 22.000 - 25.000 đồng/kg; cải xanh, cải ngọt 20.000 đồng/kg; dưa leo lên 30.000 - 35.000 đồng/kg; đậu côve giá 45.000 đồng/kg; cà chua Đà Lạt 25.000 - 30.000 đồng/kg... tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với 2-3 tuần trước.
Bình luận (0)