Chúng ta đang sống trong một thế giới luôn thay đổi do áp lực của nhu cầu toàn cầu hóa, ảnh hưởng của công nghệ số. Không ai biết các ứng dụng của công nghệ thông tin, thế giới số cũng như internet sẽ đưa con người trong tương lai đi về đâu. Một điều chắc chắn là thói quen, cách làm, cũng như lề lối kinh doanh truyền thống sẽ bị ảnh hưởng sâu xa và triệt để.
Ảnh hưởng rõ rệt của công nghệ
Gần đây, công nghệ thông tin, các mạng xã hội, các dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật số đã cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng trên các ngành công nghiệp như phim ảnh, truyền thông, giao thông vận tải, các loại trò chơi có thưởng như xổ số... Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ đến các cuộn phim Kodak. Mỗi lần đi dã ngoại, mỗi một sự kiện đáng nhớ đều có sự hiện diện của phim và các hình ảnh Kodak. Bây giờ, Kodak đi đâu không ai biết. Dần dần máy ảnh kỹ thuật số sẽ thay thế toàn bộ các loại máy ảnh cơ ngày xưa, rồi các điện thoại thông tin tích hợp máy ảnh đẩy máy ảnh kỹ thuật số lui vào bóng tối. Máy fax chuyển thư từ, thông tin, hình ảnh gần đây cũng đã đi vào dĩ vãng
Sự xung đột giữa các giá trị truyền thống và nhu cầu hội nhập, giữa đòi hỏi của việc phát triển kinh tế và bảo vệ các giá trị văn hóa đã trở thành nhiều đề tài trên báo chí và các mạng truyền thông.
Gần đây, nổi lên nhiều tranh luận về các dịch vụ như xe taxi Uber, Grab, sự xâm lấn thị trường xổ số truyền thống của xổ số điện toán theo kiểu Mỹ. Tranh luận trên báo chí giữa các công ty xổ số truyền thống với Vietlott cho thấy ảnh hưởng rõ rệt của công nghệ thông tin, các loại hình trò chơi có thưởng và các loại giải thưởng phù hợp với thị hiếu của cộng đồng. Doanh thu xổ số truyền thống sụt giảm là điều không thể chối cãi. Sự thu hẹp hoạt động và tồn tại của xổ số truyền thống cũng là điều khó tránh khỏi nếu không có những phương án tái cấu trúc ngành hay doanh nghiệp phù hợp.
Dung hòa bằng cách nào?
Xổ số điện toán là loại hình xổ số thông dụng trên thế giới, đã có mặt nhiều năm ở Mỹ và các nước. Những yếu tố hình thành nên sự thành công của loại hình giải trí có thưởng này gồm công nghệ tiên tiến, giải thưởng cộng dồn lớn, xác suất trúng phù hợp và cơ hội tự chọn các cặp hay dãy số.
Theo tính toán, xác suất trúng thưởng của loại vé số này là 1/8 triệu. Tuy nhiên, thực tế trong vòng hơn vài tháng vừa qua có tới 6 người trúng thưởng độc đắc. Đây có thể là sự may mắn của người chơi trúng thưởng nhưng với loại giải thưởng được cộng dồn từng thời kỳ mở thưởng khi không có người trúng thì việc người chơi càng ngày càng nhiều hoặc càng mua nhiều vé là điều dễ hiểu vì giá trị giải thưởng tăng theo tỉ lệ thuận với số người mua vé xổ số điện toán. Trong chiều hướng ngược lại, số người mua vé xổ số truyền thống sẽ giảm xuống vì số người chơi xổ số thường sẽ di chuyển từ loại hình này sang loại hình khác.
Áp lực dịch chuyển này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến nguồn thu và các đóng góp tài chính cho các dịch vụ công ích xã hội ở các tỉnh có xổ số truyền thống. Theo quy định, công ty xổ số Vietlott sẽ phải dành 55% doanh thu để trả thưởng, 25% nộp thuế cho nhà nước và Bộ Tài chính; phần còn lại 20% dùng để trả cho các đại lý, chi phí quảng cáo, lợi nhuận của Vietlott và đối tác Berjaya.
Nhìn vào việc chia lợi nhuận hay chi phí như trên, các công ty xổ số truyền thống hay địa phương sẽ thấy rõ phần thất thu hay thiệt hại của họ. Điều duy nhất các công ty địa phương này mong chờ là việc Bộ Tài chính phân chia lại phần thu thuế đến các địa phương.
Đưa ra các con số trên để thấy thật khó hình dung sự hài hòa quyền lợi của các công ty xổ số truyền thống và công ty xổ số điện toán Vietlott vì hai loại hình trò chơi khác nhau tuy cùng có tên là xổ số nhưng cơ cấu giải thưởng khác nhau, hình thức bán vé số khác nhau và nhất là khả năng cộng dồn giá trị giải thưởng. Nếu sau một thời gian không có người trúng giải độc đắc, giá trị giải thưởng sẽ lên rất cao, tạo ra một hiệu ứng gọi là “super jackpot” - giải thưởng độc đắc rất cao, kéo theo việc không phải 8 triệu người mua vé hay 8 triệu vé được bán ra mà là có thể nhiều hơn thế nữa.
Theo xác suất, cứ 8 triệu vé bán ra sẽ có một vé độc đắc. Khi giải thưởng rất lớn, sẽ có hơn 8 triệu người mua vé hoặc hơn 8 triệu vé được bán ra. Có thể sẽ có hai hay nhiều người cùng chia nhau giải độc đắc. Sự kiện này sẽ gần như kéo nhiều người thường mua vé truyền thống sang mua vé điện toán, tạo nên một thói quen với loại hình trò chơi xổ số mới.
Một trong những giải pháp có thể dung hòa được quyền lợi của các bên hoặc duy trì được nguồn thu của các công ty xổ số địa phương là việc Chính phủ hay Bộ Tài chính xem xét để cho các công ty này làm tổng đại lý phân phối vé số hay phát triển mạng lưới các đại lý tại các tỉnh của mình. Các công ty này cũng có thể hợp tác đưa các loại hình xổ số khác, như xổ số cào trúng thưởng ngay vào địa phương. Việc thêm các loại hình dịch vụ hay trò chơi mới hy vọng sẽ giảm thiểu áp lực tài chính cũng như đưa các công ty này vững mạnh trở lại.
Chuyên gia kinh tế tài chính - TS Bùi Đức Thụ:
Tạo sân chơi công bằng
Chúng ta phải đặt vấn đề về tính pháp lý từ hoạt động kinh doanh loại hình xổ số điện toán của Vietlott ra sao bởi vì Vietlott đưa ra cách chơi thuận lợi, mức giải thưởng rất cao, sẽ đánh bật hết loại hình xổ số truyền thống vốn cạnh tranh kém, thiếu linh hoạt, không phù hợp nhu cầu thực tiễn hiện nay. Nhưng cũng vì thế mà cơn lốc Vietlott có thể thổi bay loại hình xổ số truyền thống, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách ở các địa phương phía Nam, nơi có nguồn thu từ xổ số rất lớn.
Cơ chế quản lý của chúng ta thay đổi qua từng thời kỳ. Theo Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) có hiệu lực từ năm 2004, XSKT được đưa vào nguồn thu và quản lý trong cân đối NSNN. Từ năm 2007, nguồn thu từ XSKT nằm ngoài ngân sách nhưng vẫn được dùng để đầu tư cho các công trình phúc lợi công cộng. Luật NSNN 2015 có hiệu lực từ năm 2017 lại đưa nguồn thu XSKT vào NSNN.
Dù quản lý thế nào đi chăng nữa, sự xuất hiện của Vietlott buộc xổ số truyền thống phải thay đổi chính mình. Vấn đề phải đặt ra là khung pháp lý, cách tổ chức thực hiện ra sao để xây dựng một “sân chơi” thống nhất, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng.
Ph.Nhung ghi
Không đổi mới là… chết!
“Taxi Uber”, “GrabBike”, “xổ số điện toán”… đang là những từ khóa “hot” trên Google. Sự thịnh hành của các nhóm từ khóa này gắn với 3 câu chuyện xung đột lợi ích gây ra nhiều tranh luận tại Việt Nam.
Uber là công ty kinh doanh mạng lưới vận tải và taxi dựa trên ứng dụng công nghệ, hoạt động tại hơn 53 quốc gia và hơn 200 thành phố. Tại Việt Nam, Uber có mặt vào tháng 6-2014 ở TP HCM và đến tháng 11-2014 ở Hà Nội. Sự xuất hiện của taxi Uber ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các hãng taxi trong nước. Họ cho rằng Uber không tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.
Ở một quốc gia sử dụng nhiều xe máy như Việt Nam, hàng ngàn người chọn nghề chạy xe ôm để mưu sinh. Nhưng đùng một cái, “xe ôm công nghệ” (GrabBike) xuất hiện vào cuối năm 2015 khiến nồi cơm của cánh xe ôm truyền thống bị ảnh hưởng. Không ít vụ tranh giành khách rồi đánh nhau trí mạng đã xảy ra.
Nhưng làm mưa làm gió nhất chính là xổ số điện toán của Vietlott. “Tân binh” này ra mắt tại TP HCM ngày 18-7 và nhanh chóng đẩy 21 công ty XSKT phía Nam vào thế chống đỡ vất vả. Không một công ty XSKT nào chấp nhận có kẻ lạ nhảy vào giành giật bầu sữa của mình.
Khi quyền lợi bị ảnh hưởng, xung đột lợi ích xảy ra là đương nhiên. Vấn đề đặt ra ở đây, đó là không chỉ taxi, xe ôm hay vé số mà trong xu hướng đổi mới kinh tế, hội nhập toàn cầu sâu rộng cũng như quá trình chuyển giao, ứng dụng rộng rãi công nghệ mới tại Việt Nam, các xung đột lợi ích sẽ còn tiếp diễn trên nhiều lĩnh vực mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải có sự chuẩn bị, phải đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh thì mới tồn tại được. Chẳng phải thế mà hơn 55 năm sống trong bầu sữa bao cấp, tính từ lúc phát hành tờ vé số đầu tiên vào năm 1962, các công ty XSKT giàu to nhờ được cơ chế bảo bọc.
Không cần công nghệ, chỉ cần gần chục em nhỏ đứng ra quay số và sử dụng một lực lượng hùng hậu lao động trình độ thấp không lương, các công ty XSKT vẫn sống khỏe, thừa mứa lợi nhuận. Trong khi đó, ứng dụng công nghệ kinh doanh mới, đưa ra được phương thức kinh doanh hướng đến người tiêu dùng bằng cách chơi và giải thưởng hấp dẫn, ngay lập tức Vietlott chiếm lĩnh thị trường. Một điều tưởng chừng nhỏ mà các công ty XSKT cũng không làm được như Vietlott đó là trao quyền tự chọn số mua thay vì bắt buộc mua số theo dãy số in sẵn.
Việc ứng dụng công nghệ mới, phương thức kinh doanh, quản lý hiện đại của chính “taxi Uber”, “GrabBike”, “xổ số điện toán” là bài học đổi mới, sáng tạo về khởi nghiệp, kinh doanh cho chính doanh nghiệp trong nước. Nói như PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, hãy cởi bỏ tâm lý quen được nhà nước bảo bọc. Ra biển lớn, thị trường mênh mông, các doanh nghiệp phải năng động, đa dạng hơn mới đủ sức đứng vững. Còn nếu không làm mới mình thì sẽ chết ngay trên “sân nhà”.
Duy Quốc
Bình luận (0)