Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối thực phẩm Thủ Đức - TPHCM, cho biết tháng 3 vừa qua, giá xăng dầu tăng cao lập tức ảnh hưởng giá cước vận tải, dẫn đến giá rau củ quả về chợ đầu mối cũng bị ảnh hưởng theo.
Không giảm và sẽ tăng thêm
Theo bà Ngô Thị Thúy, kinh doanh thực phẩm tại chợ Hòa Bình (quận 5 - TPHCM), khi giá xăng dầu tăng, những người vận chuyển rau củ quả từ chợ đầu mối về chợ lẻ đồng loạt tăng giá cước vận tải. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm, các tiểu thương yêu cầu những người vận chuyển rau củ quả giảm giá cước vận tải thì họ không đáp ứng với lý do: “Nay mai giá xăng dầu sẽ tăng trở lại”.
Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều cho rằng không thể giảm giá cước trong thời điểm này. Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hùng Vương, cho rằng việc giá cước vận tải hàng hóa tăng khá cao, nhất là cước vận tải quốc tế, đã gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp sản xuất. “Mỗi tháng, doanh nghiệp chúng tôi xuất khẩu khoảng 22 triệu USD thì cước vận tải trong nước và quốc tế đã chiếm 1,6 triệu USD” - ông Minh than thở.
Sau khi có thông tin giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, ông Minh liền liên hệ với doanh nghiệp vận tải tàu biển yêu cầu điều chỉnh giảm giá cước cho phù hợp thì họ không chấp nhận và tuyên bố: “Tháng 7 tới sẽ tăng thêm 10%”.
Không ảnh hưởng nhiều đến đơn vị vận tải (!?)
Theo phân tích từ các hãng taxi, chi phí xăng chỉ chiếm khoảng 30% trong cơ cấu tính giá cước vận tải, còn cơ cấu tính giá thành cước vận tải hàng hóa thì chi phí dầu chiếm 42%-45%. Do đó, giá xăng dầu giảm cũng không ảnh hưởng nhiều đến các đơn vị vận tải nên họ khó có thể điều chỉnh giảm giá cước.
Tìm hiểu tại nhiều doanh nghiệp vận tải du lịch, vận tải hàng hóa tại TPHCM, phóng viên Báo Người Lao Động đều nhận được câu trả lời là không thể giảm giá cước trong thời điểm này. Ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH- TM-DV-Vận tải Đặng Tiến (TPHCM), trả lời dứt khoát: “Không giảm giá cước vì hiện nay thứ gì cũng tăng”.
Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, lý giải: “Dù chiếm chưa tới 50% giá thành trong khi các chi phí khác chiếm đến 55% (những chi phí này đều tăng chứ không giảm) thì làm sao giảm giá cước vận tải? Cho dù chưa tới một tháng, giá xăng dầu đã giảm 3 lần nhưng mỗi lần đều có biên độ nhỏ nên tác động lên thị trường không lớn. Ngoài ra, mức giảm này cũng chưa đủ với mức giá xăng dầu đã tăng trước đó”.
Theo bà Trần Thanh Huyền, chủ một doanh nghiệp dịch vụ xe du lịch tại TPHCM, giá xăng dầu tăng giảm thời gian qua không làm ảnh hưởng nhiều đến giá cho thuê xe. “Từ đầu năm đến nay, giá thuê xe tăng 10%-15% là phần lớn do trượt giá và vật tư tăng” - bà Huyền phân trần.
Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Công ty Taxi Vinasun kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, cho rằng một số hãng taxi đã giảm giá cước từ 200 đồng đến 500 đồng/km là phù hợp vì nếu giảm nhiều hơn sẽ khó tồn tại do chi phí quản lý, ngân hàng, vật tư đều tăng. “Cho dù lãi suất ngân hàng đã giảm còn 12%/năm nhưng khó có doanh nghiệp nào tiếp cận được nên họ vẫn phải gánh lãi suất cao trước đó là 19%-20%/năm” - ông Hỷ nêu thực trạng.
Tiếp tục tăng cường quản lý giá Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu sở tài chính các tỉnh, thành tiếp tục tăng cường công tác quản lý và thực hiện các giải pháp bình ổn giá trên địa bàn. Theo đó, sở tài chính các địa phương hướng dẫn và kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; rà soát, thực hiện kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm. Tiếp tục giám sát chặt chẽ việc đăng ký lại giá gas, bảo đảm mức giá bán lẻ phản ánh đúng tác động của giá nhập khẩu và thuế nhập khẩu.
“Các sở tài chính cũng chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn (nhất là các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều xăng dầu) tính toán chi phí sản xuất để xây dựng giá bán hàng hóa, dịch vụ phù hợp với mặt bằng giá thị trường, có tính đến yếu tố giảm giá xăng dầu và các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước...” - Bộ Tài chính nêu rõ. |
Bình luận (0)