Tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) 3 quý đầu năm khá đủng đỉnh với kết quả chỉ bán, thu về được 16.000 tỉ đồng, trong khi kế hoạch thu về 60.000 tỉ đồng. Thế nhưng, chỉ trong hơn 1 tháng còn lại của năm 2017, tiến độ này sẽ được tăng tốc do nhiều tên tuổi lớn đã chốt ngày giao dịch.
Hàng tốt liên tục lên sàn
Gần đây nhất là sự kiện Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cùng 4 DN khác, gồm Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Xuất nhập khẩu Y tế Domesco và FPT. Dự kiến ngày 28-11, SCIC sẽ công bố giá khởi điểm, quy chế và nhận đặt cọc, ngày 8-12 sẽ tổ chức chào bán công khai. Nếu bán thành công, dự kiến SCIC sẽ thu về khoảng 8.000 tỉ đồng. Hàng trăm nhà đầu tư đã có mặt tại cuộc roadshow và trước đó có ít nhất 5 quỹ đầu tư lớn đang muốn mua cổ phần của Vinaconex mà SCIC đang nắm giữ. Đáng lưu ý là buổi roadshow này được tổ chức ngay sau khi SCIC đã thoái vốn thành công đợt 2 tại Vinamilk với tỉ lệ bán 3,6% vốn điều lệ, thu về 9.000 tỉ đồng.
Thương hiệu Sabeco đang hấp dẫn nhà đầu tư Ảnh: TẤN THẠNH
Một sự kiện khác được trông chờ là Bộ Công Thương đã có thông báo về kế hoạch thoái vốn tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sau một thời gian chậm tiến độ không xác định được thời điểm. Dự kiến, thông tin chi tiết về tỉ lệ vốn thoái, mức giá khởi điểm sẽ được công bố vào ngày 27-11 và bán vốn sẽ được hoàn tất trong tháng 12 tới. Chưa công bố số lượng cổ phần chào bán cụ thể lần đấu giá đầu tiên này nhưng Bộ Công Thương cũng tiết lộ phương thức thoái vốn tại Sabeco sẽ được bán theo hình thức chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tương tự phương thức bán vốn lần 2 tại Vinamilk. Sở dĩ sự kiện thoái vốn tại Sabeco trở thành tâm điểm chú ý của thị trường vì đây là DN ăn nên làm ra, đang nắm giữ 45% thị phần bia Việt Nam. Không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư trong nước, Sabeco cũng từng được các đại gia bia thế giới ngỏ ý muốn mua cổ phần như Heineken (Hà Lan), Asahi (Nhật Bản), SAB Miller (Mỹ).
Nguồn thu lớn cho ngân sách
Như vậy, đa số thực hiện bán vốn nhà nước vào thời điểm cuối năm đều là DN có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả, có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư như thương hiệu, thị trường, nhân sự và cả bề dày lịch sử hoạt động. Việc thoái vốn của nhiều DN, trong đó có những DN lớn như Sabeco, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã ghi vào dự thu ngân sách năm 2017.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, động lực tăng trưởng của nền kinh tế đã không còn trông chờ vào dầu thô, tín dụng mà chuyển hướng sang ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch và một phần quan trọng là nguồn thu từ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN, trong đó có Sabeco, Vinamilk… Quá trình CPH được chuẩn bị từ đầu năm đến quý IV này mới tiến hành, các DN thực hiện CPH cuối năm có tổng vốn rất lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam, PVOil, Tổng Công ty Điện lực dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn… cùng thoái vốn khỏi Vinamilk, Sabeco. Nếu bán kịp sẽ có dư địa cho năm sau.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ sắp xếp 240 DN nhà nước, trong đó CPH 137 DN, nếu thực hiện đúng kế hoạch thì dự kiến số cổ phần nhà nước bán ra đạt tối thiểu hơn 296.362 tỉ đồng. Đây chính là nguồn lực rất lớn cho phát triển đất nước mà chúng ta đang nắm giữ nhưng chưa có cách phát huy, thay vào đó khá nhiều nghiên cứu lại nhắc đến nguồn nằm trong dân cư. Nếu quyết liệt thực hiện yêu cầu các DN nhà nước đã CPH phải niêm yết trên sàn chứng khoán như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách sẽ có thêm cả tỉ USD mà không phải tốn kém nhiều công sức.
Bình luận (0)