Việc giảm được chi phí phát điện của EVN vừa qua có nguyên nhân từ thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. Do tăng mua sản lượng điện giá rẻ là thủy điện, EVN đã tăng được lợi nhuận nhưng xu thế này không bền vững vì việc vận hành thị trường điện cạnh tranh đang có nhiều bất cập.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), ông Trần Viết Ngãi, trong văn bản đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng đã nói rõ hơn về những bất cập này. Đó là thị trường phát điện cạnh tranh đã được triển khai từ ngày 1-7-2012 nhưng tham gia thị trường mới có 29 trong tổng số 73 nhà máy điện đang vận hành thương mại trong hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, còn nhiều nhà máy thủy điện dưới 30 MW chưa được chào giá trực tiếp do không đủ điều kiện tham gia thị trường.
Qua khảo sát, VEA nhận thấy các nguồn điện chạy than được huy động với giá không cao, dao động từ 800 - 1.000 đồng/KWh, thấp hơn giá thành sản xuất. Thời gian huy động của các nhà máy này cũng không cao, đặc biệt các nhà máy của Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) chỉ huy động 30%-40% công suất, kể cả Nhiệt điện Phả Lại của EVN cũng không huy động hết công suất. Nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than của TKV, EVN chỉ khai thác một sản lượng điện nhỏ, thời gian huy động ít làm cho các nhà máy đó đều bị lỗ, lãng phí nguồn phát của các tổ máy, doanh thu thấp không đủ tiền trả lương cho cán bộ, công nhân viên.
VEA đề xuất để đánh giá thị trường phát điện cạnh tranh một cách đúng đắn, cần phải có thêm thời gian, trong đó có những năm mưa ít nắng nhiều, phụ tải tăng cao cần huy động hết công suất của các nhà máy trong cả nước. Đồng thời, Bộ Công Thương và EVN cho các nhà máy thủy điện có công suất nhỏ hơn 30 MW được tham gia thị trường và mở rộng tỉ lệ tham gia thị trường trên 5%.
Bình luận (0)