Cuối ngày 3-11, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC mua vào 69,7 triệu đồng/lượng, bán ra 70,4 triệu đồng/lượng, giảm mạnh khoảng 400.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. Đây là mức giảm khá mạnh của giá vàng SJC trong 2 ngày qua và đang tiến về vùng 70 triệu đồng/lượng.
Nếu so với vùng đỉnh của vàng SJC ở trên 71,1 triệu đồng/lượng, giá vàng đã "bốc hơi" tới 700.000 đồng/lượng.
Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC cũng thu hẹp xuống chỉ còn 500.000 đồng/lượng, phản ánh nhu cầu giao dịch không cao buộc các doanh nghiệp thu hẹp giá mua - bán.
Giá vàng SJC giảm mạnh vào cuối ngày. Ảnh tư liệu
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 58,7 triệu đồng/lượng mua vào, 59,7 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Như vậy, giá vàng trong nước biến động trái chiều, trong khi giá vàng SJC tiếp tục lao dốc thì vàng nhẫn, vàng trang sức 24K lại tăng. Theo một số doanh nghiệp, nhu cầu mua vàng SJC giảm khi kim loại quý này chạm vùng 71 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn, vàng trang sức 24K được chọn nhiều hơn vì diễn biến theo sát giá thế giới.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng cuối ngày hôm nay theo giờ Việt Nam, được giao dịch ổn định quanh 1.987 USD/ounce. Giá vàng thế giới tăng liên tiếp trong thời gian qua trước bất ổn địa chính trị tại Trung Đông.
Nhu cầu mua vào vàng của ngân hàng trung ương các nước cũng tăng mạnh, theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC). Trong tháng 9, ngân hàng trung ương các nước đã mua thêm 77 tấn vàng, nâng tổng lượng vàng mua vào trong quý III lên hơn 337 tấn.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, WGC cho biết lượng vàng mua vào của ngân hàng trung ương các nước lên tới 800 tấn, tăng 14% so với năm ngoái và là mức mua vào vàng cao kỷ lục trong 9 năm qua.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 59,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC trên 11 triệu đồng/lượng và bằng với giá vàng nhẫn 24K.
Bình luận (0)