Giao nhận ximăng tại một nhà máy ximăng ở Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Tất cả sẽ ngưng trệ, nếu cúp điện - Ảnh: Thanh Đạm
Được sự ủy quyền của ông Henry Lin, phó tổng giám đốc HPPC, ông Phạm Hồng Tiến (nhân viên HPPC) giải trình rằng ngày 20-4, HPPC nhận được thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc kéo đường dây 220kV Nhơn Trạch - Nhà Bè (2 mạch). Để phục vụ công tác thi công, HPPC phải cắt điện ban ngày tại Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước. Sau nhiều lần HPPC làm việc với EVN, cuối cùng các bên đã thống nhất sẽ cúp điện trong bốn ngày của tháng 7. Cụ thể cắt điện từ 4g-18g vào các ngày 25, 26, 27 và buổi sáng 28-7.
Mất 9 triệu USD
Giá điện tăng 25% so với giá điện của EVN |
Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty cảng container trung tâm Sài Gòn, cho rằng việc cúp điện sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng và “không thể chấp nhận được”. Theo bà Quỳnh, cảng Hiệp Phước là dự án trọng điểm, UBND TPHCM chỉ đạo hoàn tất vào quý 4, thời gian từng giờ.
Cúp điện coi như công tác trộn bêtông không thực hiện được, tiến độ công trình bị ảnh hưởng. Chưa kể ngày cúp điện trùng với thời điểm tàu vận chuyển hệ thống cần cẩu (cao 57 m, nặng 1.000 tấn) từ nước ngoài về cập cảng để lắp ráp. Muốn di chuyển giàn cẩu này mất hết bảy ngày, không có điện là tàu sẽ lênh đênh trên sông để chờ. “Nếu cúp điện bốn ngày chúng tôi sẽ bị thiệt hại từ 500.000-550.000 USD” - bà Quỳnh tính toán.
Ông Lê Hữu Sang, Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH vật liệu xây dựng Saint - Gobain, cho rằng nhà máy sử dụng môtơ biến áp hoạt động liên tục cho công việc sản xuất thạch cao nên không thể dùng máy phát điện để thay thế khi bị cúp điện. “Trong bốn ngày cúp điện chúng tôi thiệt hại đến 120.000 USD” - ông Sang nói.
Chưa dừng lại ở đó, đại diện Công ty cổ phần Trang cho biết đang thực hiện nhiều đơn hàng thực phẩm đông lạnh. Nếu cúp điện một ngày đồng nghĩa với 5 tấn hàng bị trễ hẹn giao, thiệt hại lên đến 100.000 USD/ngày. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Công ty thực phẩm Hai Thanh, nhẩm tính: “Tính bình quân mỗi doanh nghiệp bị thiệt hại khoảng 100.000 USD trong bốn ngày bị cúp điện, hơn 90 doanh nghiệp trong KCN sẽ bị thiệt hại lên đến 9 triệu USD”.
Thạc sĩ Trần Anh Tích Lan, Giám đốc môi trường KCN Hiệp Phước, làm nhiều đại biểu giật mình khi cảnh báo: “Cúp điện trong bốn ngày thì không còn vi sinh nào của hệ thống xử lý nước thải sống sót, nhà máy xử lý nước thải sẽ không còn khả năng xử lý. Nước thải chưa qua xử lý từ các công ty thuộc da, thực phẩm sẽ tràn ra ngoài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Đây là vấn đề mà người dân khu vực nhiều lần phản ứng gay gắt với KCN Hiệp Phước”.
Các nhà máy tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (H.Nhà Bè, TP.HCM)
sẽ ra sao khi không có điện? - Ảnh: N.C.T.
Không có nguồn dự phòng
“HPPC có hệ thống lưới điện 22kV bên trong KCN, sao không tiến hành chạy một tổ máy để phục vụ điện cho KCN?” - ông Nguyễn Xuân Hán đặt vấn đề. Ông Phạm Hồng Tiến (đại diện HPPC) cho biết phụ tải của KCN Hiệp Phước cao nhất là 32MW chỉ chiếm 15% công suất của một tổ máy. Trong khi điều kiện vận hành an toàn cho tổ máy thì phụ tải phải đạt 40% trở lên. “Nếu vận hành tổ máy trong điều kiện phụ tải quá thấp sẽ không đảm bảo an toàn, gây hư hỏng thiết bị” - ông Tiến nói.
Không nguồn điện dự phòng cho KCN Hiệp Phước là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp đưa ra mổ xẻ tại hội thảo. Theo ông Phạm Quốc Bảo - Phó giám đốc Công ty Điện lực TP, khoảng năm năm trước đơn vị đã đầu tư hệ thống trạm biến áp, máy phát điện dự phòng cho KCN Hiệp Phước. Nhưng do HPPC là đơn vị duy nhất được cấp điện cho KCN nên Công ty Điện lực TP chuyển các nguồn điện dự phòng (máy phát, trạm biến áp) phục vụ những khu vực khác. Ông Nguyễn Xuân Hán nói HPPC cho rằng không thể chạy một tổ máy cung cấp cho KCN Hiệp Phước vì lý do an toàn cần được sự thẩm định của các nhà chuyên môn.
Có ý kiến cho rằng lỗi của HPPC không có nguồn điện dự phòng là quá rõ. Theo ông Trần Thiện Tứ - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN: “Nếu làm thiệt hại đến doanh nghiệp thì phải có sự hỗ trợ, bồi thường. Không thể đổ cho công trình quốc gia mà buộc doanh nghiệp ráng chịu”.
Bình luận (0)