Văn phòng Chính phủ ngày 11-4 phát đi thông báo kết luận phiên họp lần thứ 2 vào cuối tháng 3 của Ban Chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp (DN) ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì. Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng nếu thực hiện đúng, nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì đã tạo ra tiền đề để xử lý được 60%-70% khối lượng công việc của 12 dự án thua lỗ.
Hiện Bộ Công Thương đã xây dựng, hoàn thiện các phương án xử lý đối với 12 DN yếu kém để trình Thường trực Chính phủ thảo luận trong tuần này và sớm gửi Bộ Chính trị cho ý kiến.
Muôn vàn lý do thua lỗ
Đáng lưu ý là dự án giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư gần 3.843 tỉ đồng. Năm 2008, tình hình giá cả thị trường có nhiều biến động, tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đề nghị tăng thêm tổng mức đầu tư lên 8.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát, nhà thầu phụ và chủ đầu tư không huy động đủ vốn phục vụ thi công nên kết quả là dự án bị chậm trễ, kéo dài thời gian thi công. Đến năm 2012, dự án chính thức “nằm im” do chi phí xây dựng đã tăng cao, phải tính toán lại tổng mức đầu tư.
Một trong những động thái đáng lưu ý liên quan đến dự án này là ngày 10-9-2014, Chính phủ chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tham gia góp vốn 1.000 tỉ đồng vào TISCO. Đồng thời, các ngân hàng cũng đồng ý tiếp tục cho vay vốn để tái khởi động dự án. Song, “oan trái” khiến dự án không tái khởi động được nằm ở những vướng mắc giữa chủ đầu tư và tổng thầu MCC trong việc đàm phán về trách nhiệm các bên khi dự án dừng thi công. Bộ Công Thương cho rằng TISCO có nhiều sai sót trong quá trình đấu thầu và ký hợp đồng tổng thầu, đặc biệt là nhượng bộ trong việc gia hạn tiến độ hoàn thành cho nhà thầu. Đây là sai sót nghiêm trọng nhất của chủ đầu tư, gây hệ lụy mỗi tháng, TISCO phải trả nợ 45,5 tỉ đồng.
Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng bị “đắp chiếu” nhiều năm Ảnh: Hoài Dương
Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, chủ đầu tư là Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB), mức đầu tư ban đầu là 1.317 tỉ đồng, đã được điều chỉnh lên 2.484,93 tỉ đồng. Khởi công xây dựng từ năm 2008 nhưng do không đạt được thống nhất của các bên tham gia về chi phí phát sinh, đến tháng 11-2011, dự án tạm dừng thi công khi mới đạt 78% khối lượng công việc.
Còn dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước với chủ đầu tư là Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) cũng “lãnh” quyết định dừng hoạt động từ cuối năm 2013, dự kiến kéo dài đến 2018, từ cổ đông chính (nắm 49% vốn điều lệ) là Toyo Thái Lan (nhận chuyển nhượng từ Itochu - Nhật Bản). Trước đó, nhà máy gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm giống như một số dự án ethanol khác nên Itochu mới chuyển nhượng cho cổ đông khác đến từ Thái Lan.
Trong các dự án đạm thua lỗ, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình khởi công tháng 5-2008 liên tục gặp “trục trặc” giữa chủ đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và tổng thầu Trung Quốc tên Hoàn Cầu do nhà thầu nhiều lần bỏ qua ý kiến của chủ đầu tư, tự ý thực hiện nhiều nội dung. Nhiều thông tin cũng cho thấy năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư quá yếu, không kiểm soát được mọi tình huống, diễn biến từ khâu đàm phán, thực hiện hợp đồng đến nghiệm thu, chạy thử, bàn giao cũng như kiểm soát hoạt động của nhà thầu. Chưa kể đến, chi phí sản xuất cao hơn giá thành, hàng tồn kho lớn trong khi giá ure trên thị trường lao dốc...
Cứu cách nào?
Một nguồn tin cho rằng với dự án giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, mấu chốt nằm ở chỗ do phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng và nhà thầu có biểu hiện thiếu “thiện chí” nên TISCO đã không còn chủ động được trong việc đàm phán phụ lục hợp đồng với MCC. Để trao quyền chủ động, linh hoạt cho TISCO trong đàm phán với MCC thì phương án có tính khả thi nhất hiện nay là giảm phần vốn nhà nước tại TISCO xuống dưới mức chi phối cần thiết theo quy định. Theo đó, việc thoái vốn của SCIC tại TISCO đã được Chính phủ chỉ đạo và Bộ Công Thương đã tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn để thực hiện thẩm định giá.
Với dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, có thể có 3 phương án. Phương án 1, tổng thầu là Công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) - đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu EPC - tiếp tục triển khai dự án. Phương án 2, thanh lý hợp đồng với PVC, chủ đầu tư thuê đơn vị khác tổ chức thực hiện tiếp dự án. Phương án 3, dừng triển khai dự án, cho phá sản công ty. “Hiện nay, phương án được nghiêng về là yêu cầu PVC tiếp tục triển khai hợp đồng EPC. Tuy nhiên, chủ đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc thu xếp vốn” - một nguồn tin cho biết.
Còn tại dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, trong thời gian nhà máy ngừng hoạt động, một nguồn tin cho biết OBF đã tiếp xúc, làm việc với các đối tác, trong đó có Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành (gọi tắt là Tín Thành) để tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho nhà máy. Tín Thành đề xuất 2 phương án. Một là thuê toàn bộ nhà máy trong 12 năm với giá thuê năm thứ nhất là 10 tỉ đồng, tăng dần lên 50 tỉ đồng từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 12. Trong thời gian thuê nhà máy, Tín Thành sẽ đầu tư thêm các hệ thống thiết bị để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đặc biệt, đến năm thứ 5, Tín Thành sẽ đề xuất mua lại nhà máy, trường hợp đàm phán không thành công, DN này tiếp tục thuê đến hết năm thứ 12. Phương án 2 là thuê OBF gia công sản phẩm với nguyên liệu là sắn lát. “Đại diện cơ quan quản lý cũng lưu ý đây là dự án nhà đầu tư nước ngoài nắm vốn chi phối nên PVOil (cổ đông nhà nước) phải phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu các phương án khả thi để xử lý tồn tại” - nguồn tin cho hay.
Riêng dự án Nhà máy đạm Ninh Bình có thể nói là một trong những dự án “may mắn” nhất khi lộ trình “hồi sinh” được nhìn thấy rõ nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan, như được nhận khoản vốn mồi 49 tỉ đồng từ chính Vinachem. Phía nhà máy cho biết ngày 14-1 vừa qua, nhà máy đã giải quyết được cơ bản các vấn đề tồn tại, củng cố hoàn chỉnh thiết bị để đủ điều kiện chạy lại máy. Xưởng ure đã tiến hành chạy máy vào ngày 30-1 và có sản phẩm đạt chuẩn. Toàn hệ thống đã sản xuất ổn định đạt 80%-85% công suất, dự kiến sẽ hòa vốn vào năm 2018, 3 năm tiếp sẽ có lãi trở lại.
Trong việc tháo gỡ khó khăn và xử lý những yếu kém của 12 DN này nói riêng nói riêng và các DN yếu kém khác nói chung, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ bằng các giải pháp thị trường, không bỏ thêm tiền ngân sách để cứu.
12 dự án ngàn tỉ thua lỗ, đắp chiếu:
1. Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ
2. Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam
3. Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2
4. Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất
5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình
6. Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc
7. Nhà máy Đạm DAP 1 Lào Cai
8. Nhà máy DAP 2 Hải Phòng
9. Dự án Ethanol Bình Phước
10. Dự án Ethanol Phú Thọ
11. Nhà máy Đóng tàu Dung Quất
12. Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai
Bình luận (0)