Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều ngân hàng nhỏ chật vật tồn tại với lợi nhuận ngày càng ít ỏi hoặc liêu xiêu vì nợ xấu là hệ quả tất yếu, đã được báo trước, của việc phát triển nóng ngành ngân hàng. Đã đến lúc thanh lọc các đơn vị yếu kém.
Những hệ lụy về tăng trưởng nóng, nợ xấu, quản trị ngân hàng đang là bài toán khó giải với cơ quan quản lý chỉ dăm bảy năm sau cơn sốt người người, nhà nhà đổ xô đầu tư góp vốn thành lập ngân hàng.
Tình trạng ngân hàng phải trích lập dự phòng nợ xấu quá lớn khiến cổ tức chia cho các cổ đông thấp hơn cả lãi ngân hàng, thậm chí ngân hàng phải khất không chia cổ tức để lấy tiền trích lập dự phòng rủi ro, tăng trưởng không còn là điều hiếm gặp.
Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, ngân hàng không chia cổ tức năm 2011 cho cổ đông mà dùng để đảm bảo các chỉ số an toàn.
Dù đặt mục tiêu tăng lãi 35% trong năm 2013 nhưng Tổng Cty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) dự kiến tiếp tục không chia cổ tức như năm 2012.
Tình trạng góp vốn tiền tỷ nhưng cổ tức thấp hơn cả lãi ngân hàng cũng không phải là việc hiếm gặp. Lợi nhuận 1.480 tỷ đồng năm 2012, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tăng hơn 80% nên ACB dự kiến trả cổ tức năm 2012 ở tỷ lệ 6,85%.
Tại đại hội cổ đông cuối tháng 4 vừa qua, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (Martime Bank) cho biết, cổ tức dự kiến đạt 7%, không đổi so với năm trước.
Dù được xếp trong số các ngân hàng top đầu nhưng năm 2012 là năm đầu tiên trong vòng 20 năm Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) lỗi hẹn kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Hết ảo tưởng
“Với mức nợ xấu nhiều ngân hàng cao, tôi nghĩ nếu trích lập dự phòng đúng thì lãi của các ngân hàng triệt tiêu ngay và có thể ăn vào vốn chủ sở hữu. Nếu không kiểm tra kỹ, có thể ngân hàng báo lãi và lấy tiền huy động của dân để trả cổ tức hoặc lấy ngay tiền vốn góp của mình trả cho mình” TS Nguyễn Trí Hiếu nói |
“Ảo tưởng ngân hàng lãi lớn dẫn đến việc trước đây, nhiều tập đoàn nhà nước, chủ doanh nghiệp đổ xô vào làm ngân hàng trong khi khả năng không có. Giờ dẫn đến việc phải thoái vốn, cơ cấu lại”, ông Hòe nói.
Phó Tổng giám đốc ngân hàng ACB, ông Nguyễn Thanh Toại cho rằng, việc để cho các ngân hàng có hoạt động kinh doanh yếu kém phải trả giá cho những hoạt động vượt rào, tăng trưởng nóng là bình thường trong hoạt động của nền kinh tế.
Nếu để những ngân hàng kiểu này tiếp tục tồn tại sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động chung của hệ thống, dẫn đến sự chậm trễ trong xử lý tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
TS Tô Ngọc Hưng, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, trong cuộc chơi có những ông khỏe ông yếu, việc tái cơ cấu ngân hàng là cần thiết. Khi các ngân hàng sức khỏe không đều nhau sẽ có tình trạng chạy đua lãi suất, thu hút vốn, khách hàng và khi đó có nhiều vấn đề khác nảy sinh.
“Như ở Mỹ họ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bằng cách rút số ngân hàng nhỏ để tránh “người yếu” ảnh hưởng đến người khỏe. Giống như trong bóng đá, những trận có đội khỏe đá thì có nhiều người xem, còn đội yếu ít người xem hơn”, ông nói.
Trả lời báo Tiền Phong, cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng yếu kém thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, NHNN đang giám sát chặt chẽ việc các ngân hàng thương mại thực hiện các phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt nhằm đảm bảo các ngân hàng thương mại thực hiện đúng lộ trình và mục tiêu đã đề ra.
Đến nay, có 3 ngân hàng đã được hợp nhất với nhau, một ngân hàng sẽ được hợp nhất với tổ chức tín dụng khác, một ngân hàng đã được sáp nhập, 3 ngân hàng đã được chấp thuận phương án tự cơ cấu lại.
“Đối với một ngân hàng yếu kém còn lại, NHNN đang thẩm định phương án do ngân hàng này đề xuất và có khả năng phải sử dụng biện pháp can thiệp bắt buộc. Tất cả các phương án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào”- NHNN cho biết.
Bình luận (0)