Các hãng hàng không trong nước đang đầu tư mạnh để giành thị phần, kể cả đại gia cũ lẫn "tân binh" chuẩn bị nhập cuộc.
Mở rộng đường bay
Vietjet và Tập đoàn Chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) vừa chính thức ký kết hợp đồng mua 100 máy bay 737 MAX mới trị giá 12,7 tỉ USD, nhân sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump sang Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2.
Trước đó, Vietjet cũng đã ký một đơn hàng với 100 máy bay B737 MAX vào năm 2016, đánh dấu thỏa thuận mua bán máy bay thương mại lớn nhất trong ngành hàng không Việt Nam và hiện là hãng hàng không có đơn hàng B737 MAX lớn nhất tại châu Á.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet, nhìn nhận hợp đồng mới mua 100 máy bay và các thỏa thuận hợp tác là một trong các bước đi quan trọng của hãng trong kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế, mang lại cho khách hàng nhiều cơ hội trải nghiệm, bay tới các điểm đến quốc tế mới. Boeing sẽ hợp tác với Vietjet để hỗ trợ hãng cũng như ngành hàng không Việt Nam tăng cường chuyên môn kỹ thuật, đào tạo phi công và kỹ thuật viên cũng như cải thiện khả năng quản lý.
Vietjet hiện là hãng hàng không mua sắm máy bay mới nhiều nhất trong thời gian qua Ảnh: Tấn Thạnh
Hiện tại, Vietjet đang khai thác 70 máy bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày, với 105 đường bay phủ khắp các điểm đến Việt Nam và đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Lãnh đạo Vietjet cho biết đang có kế hoạch phát triển mạng bay rộng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nghiên cứu tiếp tục mở rộng đường bay trong khu vực.
Bamboo Airways, hãng hàng không vừa có mặt trên thị trường hơn nửa tháng, cũng đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỉ USD với hãng sản xuất máy bay Boeing, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội. Hồi giữa năm ngoái, Bamboo Airways đã ký thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787 Dreamliner, trị giá 5,6 tỉ USD tại Mỹ.
Với các đơn hàng dồn dập được ký, đội bay của Bamboo Airways dự kiến sẽ sở hữu 30 máy bay thân rộng Boeing 787 Dreamliner. Những chiếc máy bay đầu tiên sẽ được phía Boeing bàn giao cho đối tác Việt Nam từ quý III/2020. Hãng này cũng đang cân nhắc việc mua thêm 25 máy bay thân hẹp dòng 737 MAX của Boeing, với giá trị hợp đồng theo niêm yết của nhà sản xuất ước tính 2,5 tỉ USD.
Ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, cho biết việc ký thỏa thuận mua thêm 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9, đồng thời đang nghiên cứu bổ sung 25 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX sẽ giúp Bamboo Airways gia tăng hiệu suất khai thác cũng như khả năng cạnh tranh trên những đường bay quốc tế nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức.
Được biết, Boeing không phải đối tác sản xuất máy bay duy nhất mà Bamboo Airways ký kết hợp tác. Tháng 3-2018, Bamboo Airways đã ký thỏa thuận mua 24 máy bay Airbus A321 neo trị giá 3,2 tỉ USD. Có mặt trên thị trường từ ngày 16-1, hãng hàng không này dự kiến sẽ triển khai 20 đường bay ngay trong quý I/2019, kết nối TP HCM và Hà Nội tới những điểm đến quan trọng trên cả nước. Hãng đang tiến gần đến kế hoạch khai thác 37-40 đường bay trong năm nay và mở rộng phủ sóng trên tất cả hành trình xuyên suốt Việt Nam, bên cạnh việc xúc tiến triển khai các đường bay quốc tế.
Hành khách được lợi
Vietnam Airlines cũng đang xem xét đầu tư mới đội bay. Theo kế hoạch, hãng sẽ trình các cấp kế hoạch mua thêm 100 máy bay thân hẹp để thay thế và mở rộng đội máy bay hiện tại. Đội bay mới của Vietnam Airlines được cân nhắc mua từ nhiều hãng, trong đó có Airbus và Boeing.
Đội máy bay của Vietnam Airlines liên tục được mở rộng, nâng cấp trong năm 2018 với việc bổ sung 2 máy bay thân rộng Airbus A350 và 3 máy bay thân hẹp thế hệ mới A321 neo, nâng tổng số máy bay hiện có của hãng lên 102 chiếc. Theo kế hoạch phát triển đội máy bay, đến năm 2019, hãng có 106 máy bay và tăng lên 112 chiếc vào năm 2020.
Không chỉ các hãng đầu tư đội máy bay, thị trường đang chứng kiến sự nhập cuộc của những doanh nghiệp khác trong ngành hàng không. Mới đây, Công ty Vietravel đã gửi Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), dự kiến đặt trụ sở tại địa phương này. Lãnh đạo công ty này cho biết đây là kế hoạch nằm trong chiến lược phát triển của hãng, nhằm khai thác thị trường du lịch Huế và ngành hàng không đầy tiềm năng.
Trong khi đó, Air Asia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á, cũng vừa ký thỏa thuận với một doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội để hình thành một đội máy bay cho hãng hàng không mới. Như vậy, dự kiến trong tương lai, thị trường hàng không Việt Nam không chỉ có Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, Bamboo Airways, Vasco.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành hàng không, trong năm 2019, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) phải tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng cảng hàng không (ACV hiện quản lý, khai thác 22 sân bay trên cả nước). Đồng thời, triển khai đầu tư dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại các cảng có tần suất khai thác cao như sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Cát Bi, Vinh, Phú Bài… ACV cũng đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư cho các dự án trọng điểm như xây dựng mới nhà ga hành khách T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách ở sân bay Đà Nẵng, mở rộng nhà ga hành khách T2 ở sân bay Nội Bài...
Theo các chuyên gia hàng không, việc các hãng liên tục đầu tư đội máy bay mới sẽ khiến thị trường hàng không trong nước cạnh tranh gay gắt hơn. Khi đó, hành khách được hưởng lợi nhờ việc cạnh tranh góp phần làm chi phí đi lại bằng đường hàng không rẻ hơn.
Khan hiếm phi công
Một trong những khó khăn của hãng hàng không hiện nay là tình trạng khan hiếm phi công trước nhu cầu phát triển liên tục về lượng máy bay, đường bay. Trong đề án đánh giá tác động của Vietnam Airlines gửi Cục Hàng không Việt Nam năm 2018, cho thấy số lượng phi công đến năm 2018 của hãng là 1.100 người, dự báo năm nay là 1.293 người và đến năm 2020 nhu cầu phi công của hãng lên tới 1.340 người. Trung bình mỗi năm, hãng cần thêm khoảng 200 phi công trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới ngày càng khan hiếm phi công đủ tiêu chuẩn. Ngay cả nguồn phi công nước ngoài cũng hạn chế do nguồn lực này ưu tiên chọn các hãng hàng không châu Á khác.
Bình luận (0)