Phát biểu tại hội nghị về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước hôm 23/4, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho hay, hầu hết các tập đoàn lớn của Nhà nước đều có xu hướng mở rộng mô hình đầu tư, kinh doanh sang nhiều lĩnh vực. Có tập đoàn sử dụng vốn vay để đầu tư tài chính như vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, hoặc đầu tư bất động sản… với lượng vốn gấp 2-3 lần số vốn chủ sở hữu.
Điều này, theo ông Hà, ẩn chứa rủi ro lớn nếu như các thị trường này không phát triển hoặc có dấu hiệu giảm sút. Bên cạnh đó, việc huy động vốn của nhiều tập đoàn mang tính tràn lan và hiệu quả đầu tư không cao do phải trả lãi ngân hàng nhiều.
Việt Nam hiện có 8 tập đoàn kinh tế nhà nước gồm: Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt May (Vinatex), Cao su (VRG), Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt).
Theo Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2007, số tiền mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước rót cho đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản, ngân hàng… lên tới trên 15.000 tỉ đồng. Con số này được cho là chưa đầy đủ.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, số vốn đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn, tổng công ty có giá trị lên đến gần 117.000 tỉ đồng. Trong đó có 28 trên tổng số 70 tổng công ty có hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… với giá trị hơn 23.300 tỉ đồng.
Ngày 30-10-2006, Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Ngay ngày 14-11 cùng năm, VRG đã thông qua chủ trương thành lập Công ty cổ phần Chứng khoán Cao su, trong đó Tài chính Cao su góp 51% vốn điều lệ (20,4 tỉ đồng).
Sự xuất hiện của “chứng khoán cao su” không làm dư luận quá ngạc nhiên, vì cùng khoảng thời gian này còn xuất hiện “chứng khoán dầu khí” của PetroVietnam, rồi “chứng khoán tàu thủy” của Vinashin, “chứng khoán Gia Quyền” với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (22% cổ phần).
Trong lĩnh vực bất động sản, những cái tên như Công ty Cổ phần Bất động sản Dệt May (VinatexLand); Công ty Kinh doanh Bất động sản - Than Khoáng sản (VinacominLand) hay Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland)... cũng lần lượt ra đời.
Trong số những dự án bất động sản của các tập đoàn, gây dư luận nhất là dự án Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực tại 69 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) của EVN. Sau khi báo chí lên tiếng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo trước mắt EVN phải tập trung vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin tuyên bố đang có ý định thành lập nhà máy bia. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thì đã khởi công xây dựng nhà máy bia tại Long An.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng các công ty Nhà nước phải dành phần lớn nguồn lực tài chính cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của mình, không được góp vốn mua cổ phần của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán… Khi đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, tối đa chỉ được bằng vốn điều lệ. Các lĩnh vực đầu tư ngoài doanh nghiệp phải hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính.
Ông đề xuất, cần đánh giá toàn bộ hoạt động của các tổ chức như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời cũng cần xem xét lại chủ trương về việc thành lập các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán trong các tập đoàn kinh tế.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu phải rà soát quy định về quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Các công ty nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty kiểm soát chặt các hạng mục đầu tư, cắt giảm những dự án kém hiệu quả để tập trung vốn và nguồn lực cho các dự án sắp hoàn thành.
"Sau năm 2010, hầu hết các tập đoàn kinh tế sẽ cổ phần hóa để trở thành các công ty đa sở hữu, đa ngành nghề", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)