Trên địa bàn Tây Nguyên, trong khi nhiều đại lý thu mua nông sản tuyên bố vỡ nợ không rõ lý do thì cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong việc xử lý.
Con nợ xin được bảo vệ
Tại tỉnh Gia Lai, đầu tháng này, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Hà Lòng 2, xã K’Dang, huyện Đắk Đoa) đã đến Công an xã K’Dang trình báo không còn khả năng trả số nợ hơn 36 tỉ đồng của nhiều người và đề nghị được bảo vệ do sợ chủ nợ hành hung. Bà Nguyệt là chủ đại lý thu mua cà phê - nông sản Nguyệt Tỉnh (xã K’Dang). Vài năm qua, bà Nguyệt vay tiền, nhận ký gửi và thu mua nông sản của nhiều người.
Bà Đỗ Thị Út (xã Đắk Djrăng), một trong những người ký gửi nông sản nhiều nhất tại đại lý Nguyệt Tỉnh, cho biết vẫn còn ký gửi tại đây hơn 50 tấn cà phê, tương đương gần 2 tỉ đồng. “Gia đình tôi sẽ thuê luật sư làm đơn khởi kiện bà Nguyệt để đòi lại tài sản” - bà Út nói.
Bà Nguyễn Hoàng Oanh (xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang) ký gửi 10 tấn cà phê nhân và 2 tấn hồ tiêu tại đại lý của bà Nguyệt để chờ giá lên bán. Tổng giá trị số nông sản ký gửi của bà Oanh khoảng 700 triệu đồng nhưng bà mới được bà Nguyệt tạm ứng 200 triệu đồng. Nghe tin đại lý này vỡ nợ, bà Oanh cứ sụt sùi khóc vì đây là tài sản chắt chiu của gia đình bà.
Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Công an xã K’Dang, cho biết bà Nguyện nợ ít nhất hơn 36 tỉ đồng do còn nhiều người chưa trình báo.
Trước đó, ngày 11-5, bà Đoàn Thị Niềm (xã Ia Krái, huyện Ia Grai) cùng chồng đến cơ quan công an địa phương trình báo không có khả năng chi trả khoảng 7 tỉ đồng và hơn 200 tấn cà phê ký gửi của 47 hộ.
Khó xử hình sự
Một lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai cho rằng những năm qua, nhiều đại lý tuyên bố vỡ nợ sau khi thu mua, nhận ký gửi nông sản của nhiều người. Tuy nhiên, rất khó xác định đây là vi phạm hình sự hay dân sự. Những trường hợp này, khi nạn nhân có đơn yêu cầu, cơ quan công an mới kiểm tra chứng cứ. Nếu không có dấu hiệu hình sự thì phải ra quyết định không khởi tố vụ án, đồng thời hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục khởi kiện ra tòa dân sự để đòi lại tài sản. “Ranh giới giữa hình sự và dân sự rất mong manh. Những vụ này hầu như là không chứng minh được phạm tội hình sự. Đây là kẽ hở của pháp luật mà thiệt hại thường thuộc về nạn nhân” - vị lãnh đạo này nhìn nhận.
Tại Đắk Lắk, mỗi năm có hàng chục đại lý, công ty thu mua nông sản tuyên bố phá sản. Nhiều vụ vỡ nợ có dấu hiệu hình sự nhưng cơ quan chức năng không thể khởi tố vụ án vì chủ đại lý đã bỏ trốn. Trong khi đó, nhiều vụ nạn nhân khởi kiện ra tòa dân sự và thắng kiện nhưng sau khi thi hành án, số tiền nhận lại chẳng được bao nhiêu, có khi chỉ vài chục ngàn đồng.
Theo một thẩm phán xét xử nhiều vụ đại lý vỡ nợ, nếu khởi kiện theo thủ tục dân sự, nạn nhân có thể thắng kiện nhưng không thể thi hành án được do chủ nợ đã tẩu tán hết tài sản.
Đại tá Cao Thành Vinh, Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết việc xử lý gặp nhiều khó khăn khi chủ nợ trốn ra nước ngoài. Năm 2013, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã đặc biệt chủ DNTN Thương mại Chung Đào (thị xã Buôn Hồ) trên toàn quốc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 40 tỉ đồng nhưng sau đó phải tạm đình chỉ vụ án do đối tượng đang lẩn trốn ở nước ngoài. Muốn truy nã quốc tế thì cơ quan chức năng phải xác định được địa điểm đối tượng lẩn trốn.
Nhận được… 0,03% số nợ
Đến nay, người dân Đắk Lắk vẫn chưa quên vụ gần 100 hộ dân ở các xã Ea Hồ, Ea Tóh, Phú Lộc và thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng thắng kiện chủ đại lý cà phê Hiệp Gái (xã Phú Lộc) khi đại lý này nhận ký gửi gần 200 tấn cà phê của họ rồi tuyên bố vỡ nợ cách đây vài năm. Ông Nguyễn Thanh Minh, xã Ea Tóh, cho biết lúc đó ông ký gửi cho đại lý Hiệp Gái 2,5 tấn cà phê nhân trị giá 100 triệu đồng. Sau khi thắng kiện, ông chỉ nhận được 30.000 đồng. Theo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Năng, trong vụ này, tổng số cà phê ký gửi của 96 hộ dân quy ra tiền là trên 7,5 tỉ đồng nhưng tài sản còn lại của đại lý chỉ bằng 0,03% số nợ, vì vậy mỗi hộ chỉ được chia 0,03% trên tổng số nợ của mình.
Bình luận (0)