Ba vấn đề có liên quan đến cơ chế quản lý giá xăng dầu được xã hội quan tâm nhất, cần được làm rõ và minh bạch, đó là: Giá cơ sở, lỗ - lãi của doanh nghiệp (DN) và quỹ bình ổn.
Cần minh bạch giá bán
Công thức và cách tính giá cơ sở bao gồm 9 yếu tố rất rõ ràng nhưng việc các cơ sở kinh doanh xăng dầu công bố bảng tính giá cơ sở theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (ban hành ngày 15-10-2009) chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng, đánh giá tính xác thực của nó bởi nhiều lý do.
Một trong những lý do chính là sự phức tạp của quá trình hạch toán, kinh doanh xăng dầu, đồng thời do hạn chế về nghiệp vụ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý ở các cơ quan chức năng.
Sự nghi ngờ của người tiêu dùng đối với những thông tin do các DN xăng dầu công bố là có cơ sở. Bằng chứng là lâu nay điệp khúc mà các DN kinh doanh xăng dầu luôn “ca” là lỗ, thậm chí ở không ít thời điểm “dầu sôi, lửa bỏng”, cả ngân sách Nhà nước và người tiêu dùng đều phải bỏ tiền vào quỹ bình ổn để hỗ trợ, bù lỗ cho DN để họ khỏi tăng giá.
Vậy mà khi lên sàn, DN kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam (Petrolimex, gần 60%) có bản cáo bạch tài chính cho thấy năm 2008 lãi hơn 913 tỉ đồng, năm 2009 lãi 2.880 tỉ đồng, năm 2010 lãi 81 tỉ đồng, năm 2011 lãi khoảng 598 tỉ đồng! Đây cũng là một dấu hỏi, nghi ngờ bảng giá tính cơ sở của DN kinh doanh xăng dầu đã công bố là không đáng tin cậy.
Theo ý kiến của người tiêu dùng, điều quan trọng là phải kiểm tra được sự minh bạch, hợp lý của một số yếu tố trong cơ cấu bảng tính giá cơ sở trong mỗi lít xăng để lấy làm căn cứ xem xét giá bán đã hợp lý hay chưa.
Giá xăng tại nước ta thời gian qua tăng nhiều hơn giảm, mức tăng
thường mạnh nhưng giảm nhỏ giọt. Ảnh: HỒNG THÚY
Tháo gỡ vòng luẩn quẩn
Trong việc thành lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, DN là đối tượng hưởng lợi trước tiên, được sử dụng tạo nguồn vốn lưu động mà không phải đi vay, không phải trả lãi; Nhà nước có thêm công cụ để điều tiết giá, kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc trích lập, sử dụng và điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu còn nhiều bất cập và dễ bị DN lợi dụng. Năm ngoái, qua kiểm tra, Bộ Tài chính đã kết luận Petrolimex sử dụng sai quỹ bình ổn 1.200 tỉ đồng, thay vì dùng để bù vào chênh lệch giá bán, DN này đem bù lỗ kinh doanh của đơn vị mình.
Quỹ bình ổn là một khoản trả trước của người tiêu dùng giao cho DN quản lý để ổn định giá khi biến động theo sự điều hành của Nhà nước, song cách vận hành quỹ chưa phù hợp. Theo Nghị định 84 NĐ-CP, bất kể giá xăng dầu thế giới có tăng hay giảm thì trong giá cơ sở vẫn phải có trích quỹ bình ổn.
Điều này không hợp lý vì tình hình kinh doanh của các DN đầu mối không giống nhau, có DN lãi, có DN lỗ, vậy lỗ thì sao cứ phải trích nộp vào quỹ? Nhận thấy bất cập này, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ nghiên cứu thay đổi chính sách để có cơ chế trích quỹ và sử dụng phù hợp hơn.
Sau những lần tăng giá xăng dầu, thị trường này đã bộc lộ nhiều bất ổn. Tăng giá, hoa hồng thấp, lỗ rồi lại tăng giá, lại lỗ, đó là một vòng luẩn quẩn mà việc điều hành giá xăng dầu đang vấp phải khi giao quyền định giá cho DN.
Hướng tháo gỡ vòng luẩn quẩn này cho thấy cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 84/NĐ-CP về điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Khi nghị định này còn nhiều bất cập và chậm được sửa đổi thì không nên để DN độc quyền định giá mặt hàng chiến lược quan trọng như xăng dầu.
Bình luận (0)