Những ngày qua, người nuôi bò sữa ở TP HCM - nơi có đàn bò sữa lớn nhất nước - khấp khởi hy vọng có đầu ra ổn định nhờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng sau buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với UBND huyện Củ Chi giữa tháng 2-2016.
Người nuôi than khó
Ông Nguyễn Văn Hơn - Trưởng ấp Giòng Sao, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi - cho biết: “Ấp hiện có 40 hộ nuôi bò sữa với gần 700 con, sản phẩm chủ yếu bán cho các công ty như Vinamilk, FrieslandCampina, Long Thành Milk… Tuy nhiên, gần đây, các công ty thắt chặt quản lý chất lượng, khống chế lượng sữa thu mua nên thu nhập của người nuôi giảm hẳn. Những hộ chưa ký hợp đồng bán sữa còn khó khăn hơn và đứng trước nguy cơ bỏ đàn”.
Ông Phạm Văn Đạt (ngụ xã Tân Phú Trung) nuôi 6 con bò, 4 con đang cho sữa nhưng lại chưa có hợp đồng tiêu thụ nên phải bán sản phẩm cho những người vắt sữa thuê với giá chỉ 7.000-9.000 đồng/kg. “Biết bị ép giá nhưng đành chịu vì họ có chỗ tiêu thụ, còn người nuôi trực tiếp đến trạm thu mua nào cũng bị từ chối” - ông Đạt xót xa.
Cũng thiệt thòi do không có hợp đồng tiêu thụ, ông Võ Văn Cu (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) phải bán gần một nửa đàn bò sữa. Trong đó, một số con bán cho lò mổ với giá rẻ như bò thịt.
So với những trường hợp trên, ông Lưu Thành Hóa (ngụ ấp Giòng Sao, xã Tân Phú Trung) may mắn hơn khi có hợp đồng tiêu thụ. Tuy nhiên, ông vẫn chưa yên tâm do lượng sữa làm ra không được thu mua hết. Gia đình ông Hóa hiện nuôi hơn 10 con bò cái với sản lượng sữa trên 200 kg/ngày nhưng công ty ký hợp đồng chỉ thu mua 80-100 kg với giá 12.500 đồng/kg, còn lại chỉ 7.400 đồng.
Nguyên nhân có 2 giá là do từ năm 2016, đơn vị thu mua sữa căn cứ theo giá thế giới để đưa ra “giá chuẩn” 7.400 đồng/kg. Theo lượng sữa thu mua của năm 2015, công ty sẽ mua 90% sản lượng với giá 10.750 đồng/kg (giá chuẩn 7.400 đồng cộng với 3.350 đồng chênh lệch thị trường), 10% lượng sữa còn lại thu mua theo “giá chuẩn”.
Có hợp đồng cũng chưa chắc ổn định nếu chất lượng không đáp ứng yêu cầu của bên thu mua. Ông Nguyễn Văn Xọ (xã Tân Phú Trung) cho biết dù có hợp đồng tiêu thụ với một công ty nhưng gần 50 kg sữa mỗi ngày từ 3 con bò của ông phải đổ bỏ do không đạt chuẩn của bên mua.
“Trước Tết, công ty thông báo đàn bò của tôi bị nhiễm Soma (một dạng tế bào bạch cầu, khi có tình trạng viêm vú thì số lượng tăng lên - PV) nên ngưng thu mua sữa đến giờ. Không biết khi nào họ mua lại nên gia đình rất hoang mang” - ông Xọ buồn chán.
Sức ép từ mọi phía
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, cho rằng trong một thời gian dài, giá sữa tươi và con giống có lợi cho người nuôi nên nhiều hộ phát triển đàn, kể cả những người chưa có kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn 2011-2015, đàn bò sữa TP HCM tăng trưởng bình quân 6,4%, sản lượng sữa tươi tăng 6%. Tính đến cuối năm 2015, TP có 103.000 con bò sữa, sản lượng sữa tươi đạt 275.000 tấn/năm, tăng 9,2% sản lượng, trong khi đàn bò chỉ tăng 2% so với năm 2014.
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2015, đàn bò sữa của cả nước lên đến 275.300 con, tăng 20,9% về số lượng và tăng 20% sản lượng với 645.000 tấn sữa tươi so với năm 2014. Đàn bò sữa chủ yếu phát triển tại một số địa phương như TP HCM, Lâm Đồng, Bình Định, Nghệ An, Sơn La, Hà Nội và Long An. Nguyên nhân tăng trưởng mạnh là do một số doanh nghiệp tăng cường đầu tư, tự mở rộng quy mô chăn nuôi. Trong cuộc cạnh tranh này, nhiều nông dân bị yếu thế khi cứ phát triển đàn, đến khi có sữa mới tìm chỗ bán, trong khi các doanh nghiệp sữa đã định trước số lượng đầu vào.
Trong một lần trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cục Chăn nuôi khẳng định bò sữa không phải là vật nuôi xóa đói giảm nghèo, nếu nuôi tự phát thì cầm chắc lỗ. “Muốn nuôi bò sữa hiệu quả, quy mô tối thiểu là 10 con, phải có vốn đầu tư chuồng trại, hệ thống làm mát, hợp đồng tiêu thụ… Do đó, chỉ những người có vốn kha khá mới nuôi được” - vị lãnh đạo này đúc kết.
Theo bà Cúc, Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới thông qua việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do vậy, hàng hóa của Việt Nam, trong đó sữa tươi nguyên liệu, phải chịu sự chi phối của thị trường thế giới từ giá cả đến chất lượng.
Thời gian qua, giá sữa nguyên liệu trên thế giới liên tục giảm, trong khi đàn bò sữa trong nước lại tăng đều qua các năm. Điều này cho thấy cán cân cung cầu về sữa có sự thay đổi lớn. Khi hội nhập, các doanh nghiệp sữa chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong chính sách thu mua từ chất lượng, giá cả cho đến số lượng, sao cho phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Theo các chuyên gia, giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu tháng 2-2016 bình quân chưa tới 2.000 USD/tấn. Nếu đem hoàn nguyên thì giá sữa chỉ hơn 6.000 đồng/lít (chưa tính các chi phí khác), bằng một nửa so với giá sữa tươi nguyên liệu trong nước.
Không thể hỗ trợ mãi
Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng TP HCM đang rà soát, thống kê số hộ nuôi chưa ký kết hợp đồng với các công ty thu mua sữa, xác định nguyên nhân và phân loại hộ chưa ký kết là mới phát sinh, bán ghép hay vi phạm hợp đồng. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT sẽ cùng các địa phương, công ty thu mua sữa tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi. Theo thông tin ban đầu, tại huyện Củ Chi có gần 50 hộ bị cắt hợp đồng tiêu thụ do vi phạm về chất lượng, số lượng, điều kiện vệ sinh… và 173 hộ nuôi mới phát sinh.
Ông Bùi Hoàng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Thủ Đức, TP HCM - cho biết khoảng 10 hộ nuôi bò sữa tại phường Bình Chiểu đang thấp thỏm do một công ty sữa thông báo đóng cửa trạm thu mua ở đây vào cuối tháng 2-2016. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, công ty này đã gia hạn đến hết tháng 6-2016 để người nuôi bò sữa có thời gian tìm nơi tiêu thụ.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT TP HCM, về lâu dài, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp nhằm giảm số lượng và tăng chất lượng cho đàn bò sữa để nâng khả năng cạnh tranh.
Theo chương trình phát triển chăn nuôi ban hành năm 2011, đàn bò của TP HCM năm 2015 sẽ ở mức 83.500 con. Tuy nhiên, đến năm 2015, TP đã có tới 103.000 con bò sữa. Do đó, ngành nông nghiệp phải thay đổi mục tiêu, giảm đàn xuống 100.000 con vào cuối năm 2016 và 95.000 con năm 2020.
Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, cho rằng chuyện đầu ra cho đàn bò sữa gặp khó không phải mới đây mà đã âm ỉ từ cuối năm 2014. Trước đó, đã có nhiều cảnh báo về vỡ quy hoạch đàn bò sữa của TP. Với trách nhiệm của mình, hội đã đề xuất nhiều giải pháp tìm đầu ra nhưng chưa thực hiện được. Gần đây nhất, hội đã chủ trì phối hợp liên ngành trong việc giám sát thức ăn cho bò sữa nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm.
“Phải thừa nhận việc kêu gọi sự hỗ trợ của các công ty thu mua sữa chỉ là giải pháp tình thế khi cung đã vượt cầu” - ông Sơn thẳng thắn.
Sữa ngoại đổ bộ là không tránh khỏi
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2015, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa đạt gần 901 triệu USD (không có số liệu thống kê về sản lượng), chỉ bằng 82% so với năm trước. Trong các năm 2013, 2014, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đều ở mức trên 1 tỉ USD.
Tuy nhiên, điều cần quan tâm là trong 10 thị trường hàng đầu cung cấp sữa cho Việt Nam có đến 5 nước là thành viên của TPP, gồm: New Zealand, Mỹ, Singapore, Úc và Malaysia, chiếm đến gần 60% thị phần. Khi TPP có hiệu lực, các hàng rào thuế quan dỡ bỏ, sự đổ bộ của sữa ngoại là không tránh khỏi.
Hộ nuôi nhỏ lẻ cầm chắc lỗ
Qua thống kê nhiều năm của ngành nông nghiệp, khi quy mô nuôi bò sữa càng lớn, giá thành sản phẩm càng giảm. Cụ thể, hộ nuôi dưới 5 con, giá thành sữa tươi lên tới 11.619 đồng/kg, nuôi 10 con còn 9.332 đồng/kg, 20 con là 7.936 đồng/kg, quy mô 50 con chỉ còn 7.076 đồng/kg. Hiện nay, giá thu mua sữa bình quân của các doanh nghiệp ở TP HCM là 11.628 đồng/kg.
Như vậy, nếu nuôi dưới 10 con thì người dân không có lãi.
Trong khi đó, quy mô nuôi bình quân tại TP HCM là 13 con/hộ, trong đó hơn 2.500 hộ nuôi dưới 5 con/hộ. Những hộ nuôi ít, nếu tự trồng cỏ, tự vắt sữa thì còn có thể cầm cự, nếu không thì cầm chắc thua lỗ.
Bình luận (0)