Hầu hết doanh nghiệp (DN) và các đơn vị liên quan đều mong muốn có lộ trình áp dụng phù hợp hơn và nhà nước đứng ra đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho DN sử dụng.
Bà NGUYỄN THỊ CÚC, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam:
Khó áp dụng đại trà
Chỉ còn 3 tháng nữa để áp dụng triển khai hóa đơn điện tử cho DN trên diện rộng, liệu có đủ thời gian để thực hiện công tác truyền thông cho DN chuẩn bị điều kiện để thực hiện hay không? Bộ Tài chính đưa ra con số 90% DN phải áp dụng hóa đơn điện tử vào đầu năm sau sẽ gây khó khăn lớn cho các DN. Bởi có nghịch lý là số lượng DN lớn tạo ra 80% nguồn thu thuế lại không nhiều, trong khi 20% nguồn thu còn lại là của các DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh… với số lượng rất lớn.
Hóa đơn điện tử là cần thiết nhưng không phải bắt buộc 100% DN, hộ kinh doanh phải thực hiện. Phải tính toán xem liệu 500.000 DN siêu nhỏ và các hộ gia đình có sẵn sàng áp dụng hóa đơn điện tử hay không. Trường hợp các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đứng tên là người già không biết sử dụng vi tính hoặc đối với vùng sâu, vùng xa, không có mạng internet hoặc mạng rất yếu thì quản lý hóa đơn thế nào? Vì thế, ngành thuế trước mắt nên kiểm soát bằng hóa đơn điện tử với số DN chiếm 80% nguồn thu này. Còn với các hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa thì nên đặt ra lộ trình dài hơn để họ làm quen và có điều kiện áp dụng theo.
Doanh nghiệp lo ngại việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử quá nhanh và đại trà sẽ không kịp chuẩn bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh Ảnh: TẤN THẠNH
Hiện nay, vấn nạn hóa đơn giả còn tồn tại. Thậm chí có tình trạng hóa đơn là thật nhưng hàng hóa mua ngoài, nhập lậu, sau đó mua hóa đơn của DN cung cấp. Họ vẫn kê khai thuế bình thường rồi chuyển tiền vào DN ảo, rồi rút tiền khỏi tài khoản mà vẫn được khấu trừ thuế. Hóa đơn điện tử nếu thực hiện được phải thống nhất khâu làm hóa đơn với khâu quản lý luồng hàng ra/vào.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang:
Nên có lộ trình
Từ năm 2011 đến nay, Bộ Tài chính khuyến khích hóa đơn điện tử nhưng chỉ khoảng 1% trong tổng số 600.000 DN trên cả nước sử dụng hóa đơn điện tử. Bản thân các DN này phải bỏ ra khoản đầu tư không nhỏ về hạ tầng, phần mềm, nhân sự phục vụ để "chạy" hóa đơn điện tử. Nay Bộ Tài chính mong muốn đưa 80% DN sử dụng hóa đơn điện tử là rất khó, đặc biệt trong điều kiện hơn 90% DN đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Một bộ phận DN không hoan nghênh quy định về hóa đơn điện tử không phải do họ không minh bạch mà do không muốn tốn chi phí đầu tư hạ tầng, nhân sự cho việc áp dụng hóa đơn điện tử.
Điều kiện quan trọng nhất để áp dụng hóa đơn điện tử là hạ tầng công nghệ phải tốt, nếu hạ tầng không ổn định, DN không chuyển/nhận hóa đơn được sẽ rối loạn, giao dịch đình trệ. Đến lúc đó, muốn khắc phục hay quay về sử dụng hóa đơn giấy cũng khó. Không rõ Bộ Tài chính khi làm chính sách có lường trước những kịch bản xảy ra để có biện pháp tháo gỡ kịp thời không. Trong khi cả nhà nước và DN đều chưa sẵn sàng. Vì vậy nên có lộ trình từng bước cho hóa đơn điện tử chứ không nên nóng vội, chủ quan. Có thể thí điểm bắt buộc 10% DN trên thị trường hoặc chọn lọc những DN có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên thí điểm áp dụng trước để rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh thêm hạ tầng, sau đó dần áp dụng đại trà.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thương mại Trí Nguyễn, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế:
Cần phòng tránh rủi ro
Việc áp dụng hóa đơn điện tử cần sự chuẩn bị về kiến thức cũng như các nguồn lực khác của cả cơ quan quản lý nhà nước và DN. Đối với cơ quan thuế, cần thiết phải kiểm tra lại dung lượng phần cứng của toàn hệ thống, bao gồm hệ thống cơ quan thuế và hệ thống chia sẻ của các đơn vị cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về dịch vụ điện tử trong lĩnh vực thuế (T VAN), bảo đảm hệ thống đủ lớn và có dự phòng cho kế hoạch 1 triệu DN năm 2020 sử dụng liên tục. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống dự phòng để tránh việc gián đoạn kinh doanh của DN. Kết nối đường truyền tới vùng sâu, vùng xa, thậm chí xem xét đáp ứng cả các nghiệp vụ hóa đơn của DN xuất nhập khẩu và nhu cầu phát hành hóa đơn khi đang ở nước ngoài bởi vì sau này chúng ta không sử dụng hóa đơn giấy nữa.
Để sử dụng tốt công nghệ về hóa đơn điện tử, DN cần chuẩn bị kế toán hiểu biết về hóa đơn điện tử, có phần mềm hóa đơn điện tử, có đường truyền công nghệ thông tin, thiết kế, lựa chọn hóa đơn điện tử phù hợp, đăng ký nhà T VAN... Chủ DN cần có kiến thức về công nghệ thông tin và thường xuyên kiểm tra tình hình phát hành hóa đơn để phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra vì sẽ là nghiêm trọng hơn nếu DN sử dụng kế toán có trình độ công nghệ thông tin yếu, kế toán không trung thực, không có tâm trong sáng. Tốt hơn hết, trong thời gian đầu nên sử dụng dịch vụ của các công ty kế toán hoặc các đại lý thuế chuyên nghiệp.
Bà Đặng Thị Bình An,Công ty Tư vấn N&D:
Có thể áp dụng song song hai loại hóa đơn
Theo tôi, bước đầu chỉ nên cho áp dụng thử hóa đơn điện tử với một số DN lớn, khi đủ điều kiện mới áp dụng đại trà. Với điều kiện hiện nay, nên lùi việc áp dụng hóa đơn điện tử 2-3 năm nữa, áp dụng vào cuối năm 2019 đầu năm 2020. Vì khi thực hiện, các DN lớn đã áp dụng theo hóa đơn điện tử nhưng nếu khách hàng là DN nhỏ chưa áp dụng hóa đơn điện tử sẽ hoạt động không đồng bộ, gây khó khăn cho DN khi xử lý hóa đơn. Trong thực tế chỉ một số ít DN sử dụng hóa đơn điện tử mà nhiều khi đã gây ra tình trạng ách tắc đường truyền. Vậy khi số lượng hóa đơn điện tử gấp hàng ngàn lần bây giờ liệu có bảo đảm đường truyền thông suốt 24/7 hay không?
Trong trường hợp không lùi lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử thì nên sử dụng song song với hóa đơn giấy để tạo thuận lợi, chờ đến khi các hoạt động, thiết bị của DN và cơ quan quản lý được hoàn chỉnh.
Hóa đơn điện tử: Ai được lợi?
Cả tháng nay, trong nhiều buổi gặp mặt, hội họp, chủ đề về hóa đơn điện tử được các DN đem ra trao đổi. Đa số DN lúng túng, chờ đợi nghị định hướng dẫn và có tâm lý e ngại. Theo dự thảo Nghị định sửa đổi về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ thay thế cho Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP, từ ngày 1-1-2018, hóa đơn điện tử được áp dụng đối với nhóm DN rủi ro cao. Với những DN đặt mua hóa đơn của Bộ Tài chính hoặc tự in hóa đơn sẽ áp dụng dần theo lộ trình.
Nếu nghị định này đi vào đời sống, hơn 4,1 tỉ hóa đơn giấy sẽ được thay bằng hóa đơn điện tử, dự kiến sẽ giúp giảm chi phí đáng kể và giảm thời gian làm thủ tục hành chính thuế cho khoảng 600.000 DN.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều lo ngại với quy định này. Theo lý giải của Tổng cục Thuế, ngoài những khó khăn về trang thiết bị, công nghệ còn có tâm lý không muốn sử dụng hóa đơn điện tử vì sợ minh bạch. Bên cạnh đó, do hạ tầng thông tin chưa được đồng bộ nên các DN e ngại các cơ quan chức năng làm khó khi kiểm tra. Ở góc nhìn DN, các DN cho biết sẵn sàng hợp tác sử dụng hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy nhưng rất lo ngại sẽ phát sinh chi phí và gặp rắc rối do hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi chưa hoàn thiện. Tình trạng nghẽn mạng, đứt cáp trong các kỳ khai báo thuế chưa được cải thiện dẫn đến tâm lý nghi ngờ tính khả thi của việc thực hiện hóa đơn điện tử. Nếu áp dụng hóa đơn điện tử, việc gửi/nhận hóa đơn được thực hiện thường xuyên thì tình trạng nghẽn, chậm sẽ đến mức nào. Nếu khách mua hàng xong mà bên bán không xuất hóa đơn được vì nghẽn mạng thì DN phải làm sao.
Hàng loạt câu hỏi được đưa ra chưa nhận được giải thích thỏa đáng. Đó là chưa tính đến chi phí phát sinh cho hóa đơn điện tử khi DN phải đầu tư hạ tầng, phần mềm, server... và trả phí xác thực 300 đồng trên mỗi hóa đơn. Tất cả các khoản phí này DN phải chịu. Theo ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH DV Kế toán Đồng Hưng, Ủy viên BCH Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, DN ủng hộ hóa đơn điện tử vì làm minh bạch, tạo sự bình đẳng giữa các DN, nhất là giữa DN hoạt động đúng pháp luật và DN gian lận, trốn thuế. Triển khai hóa đơn điện tử, nhà nước được lợi nhiều hơn DN nên bên được lợi nhiều hơn phải đầu tư hạ tầng tốt nhất để người dân, DN sử dụng. Nếu nhà nước không "bao" mà bắt DN phải tự bỏ tiền đầu tư thì chi phí tăng thêm cho DN sẽ rất lớn và DN sẽ đặt vấn đề ai được hưởng lợi từ các khoản đầu tư hạ tầng... của DN?
PHƯƠNG AN
Bình luận (0)