Thống kê từ Sở Công Thương TP HCM cho thấy từ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ 45 tỉ đồng năm đầu tiên triển khai bình ổn giá (năm 2002), đến năm 2013, TP HCM đã không còn ứng vốn ngân sách mà kết nối ngân hàng (NH) để các doanh nghiệp (DN) trong chương trình bình ổn thị trường (BOTT) được vay vốn với lãi suất ưu đãi, phục vụ việc chuẩn bị, dự trữ hàng hóa lẫn đầu tư mở rộng nhà xưởng, đầu tư vùng nguyên liệu. Từ doanh thu 13.242 tỉ đồng trong năm đầu tiên xã hội hóa nguồn vốn BOTT (năm 2013), đến nay doanh thu chương trình tăng gần gấp đôi, dự kiến đạt 22.355 tỉ đồng trong năm 2022.
Giữ ổn định lãi suất, ưu tiên cấp vốn cho DN BOTT
Tính đến thời điểm hiện tại, có 11 NH tham gia chương trình BOTT TP HCM, gồm: NH TMCP Xuất Nhập Khẩu, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín, NH TMCP Công Thương, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NH TMCP Đầu tư và Phát triển, NH TMCP Ngoại thương, NH TMCP Phát triển TP HCM, NH TMCP Á Châu, NH TMCP Nam Á, NH TMCP Đông Á, NH TMCP Quân Đội.
Trong nhiều năm qua, từ sự kết nối của Sở Công Thương TP và NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, các NH tham gia chương trình đã liên tục bơm vốn, giữ ổn định lãi suất cho các DN, góp phần hỗ trợ DN giữ ổn định chi phí sản xuất, ổn định giá thành và giá bán. Trong năm 2022, do tình hình kinh tế và trong nước có nhiều biến động, lãi suất NH có xu hướng tăng từ giữa năm, các NH cũng siết chặt "room" tín dụng. Ngay lập tức, NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các DN BOTT đồng thời tiếp tục thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các DN này. Nhờ vậy, các DN được bổ sung nguồn vốn kịp thời để yên tâm tăng sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thành phố giao.
Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, nguồn vốn ưu đãi sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và tăng quy mô bình ổn thị trường
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước TP HCM, từ nhiều năm nay, ngành NH TP HCM đã xác định vai trò cung ứng vốn với lãi suất phù hợp/ lãi suất ưu đãi cho các DN BOTT là một trong những nhiệm vụ của ngành NH, vì vậy các NH luôn tích cực đồng hành cùng chương trình. "Không những cung ứng đủ vốn DN cần để thực hiện kế hoạch BOTT đã đăng ký với thành phố, các NH còn hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DN trong chương trình như Infoodco, Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Thanh niên xung phong (2014), Công ty CP Chế biến Thủy hải sản Liên Thành, Công ty TNHH Lilamiti, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Hương Mi... Từ sự hỗ trợ kịp thời này, một số DN đã nắm bắt cơ hội vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động ổn định và phát triển lớn mạnh" - ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Mới đây, tại hội thảo "Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình BOTT trên địa bàn TP HCM", ông Nguyễn Đức Lệnh một lần nữa khẳng định ngành NH sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình trong sứ mệnh đưa vốn vào thị trường, gắn với việc bảo đảm sự tăng trưởng an toàn, bền vững cho hệ thống NH.
"NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM sẽ triển khai, chuyển tải nhanh nhất các thông tin, thông điệp, ý nghĩa, nhu cầu vốn của các DN BOTT để ngành NH TP ngày càng phát huy hơn nữa vai trò cung ứng vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Đồng thời, các quy định, chính sách ưu đãi của ngành đối với các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình sẽ được cập nhật kịp thời để các ban ngành, tổ chức, cá nhân có thể hiểu được quyền lợi, trách nhiệm liên quan trong tiếp cận tín dụng ưu đãi cũng như tháo gỡ vướng mắc phát sinh" - ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.
Một số điểm nghẽn cần tháo gỡ
Dự đoán tình hình kinh tế sẽ còn nhiều biến động khó lường, kèm theo đó là diễn biến lạm phát, lãi suất NH tăng vọt trong thời gian tới, các DN BOTT mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư sản xuất để bảo đảm nguồn hàng, giữ ổn định giá. Cụ thể, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) kiến nghị thành phố xem xét cho DN tham gia bình ổn được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp nhất so với bình quân của thị trường.
Cùng quan điểm này, nhiều DN cho rằng trong lúc lãi suất ngoài thị trường tăng cao, thành phố cần có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất ưu đãi hợp lý để giúp DN BOTT mở rộng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng kho bãi. "Thiết nghĩ, DN cần phải được hỗ trợ vốn để phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng mạng lưới phân phối và kho bãi. Việc này cũng tạo thuận lợi, giúp DN thực hiện nghĩa vụ ổn định thị trường hàng hóa hiệu quả cao hơn" - ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), nêu kiến nghị.
Một "điểm nghẽn" lớn khác mà các DN đồng kiến nghị tháo gỡ là có sự điều chỉnh, thay đổi quy trình điều chỉnh giá hàng hóa BOTT đơn giản hơn: khi giá thị trường có biến động, các sở, ngành phải chủ động, linh động trong việc xem xét việc điều chỉnh giá trong thời gian sớm nhất dựa trên đề xuất trực tiếp của DN. Thực tế hiện nay việc này rất chậm vì yêu cầu phải có đủ số DN đề nghị mới xem xét điều chỉnh.
"Theo quy định của chương trình hiện nay, khi giá nguyên liệu, chi phí đầu vào biến động tăng hoặc giảm từ 5%-10% so với thời điểm đăng ký giá liền kề trước, các DN sẽ được điều chỉnh giá bán. DN muốn điều chỉnh phải thực hiện đăng ký lại giá bán với Sở Tài chính và phải được sở này chấp thuận bằng văn bản và thời điểm áp dụng. Thế nhưng, trong một vài thời điểm, giá nguyên liệu heo hơi có xu hướng tăng cao, đơn vị gửi văn bản đề nghị điều chỉnh tăng giá bán nhưng cơ quan chức năng chậm trễ cho áp dụng giá điều chỉnh, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của DN" - đại diện một DN dẫn chứng.
Saigon Co.op bình ổn thị trường 10.000 tấn hàng hóa/năm
Tham gia chương trình BOTT TP HCM từ năm 2006, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) nhanh chóng trở thành một trong những DN phân phối chủ lực của chương trình.
16 năm tham gia BOTT, sản lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op đã tăng gấp 8 lần; tỉ lệ hàng Việt tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa, riêng các mặt hàng bình ổn luôn bảo đảm 100% là hàng Việt. Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành phố khác, tăng từ 17 điểm bán (năm 2006) lên hơn 600 điểm bán trên cả nước (riêng tại TP HCM là 422 điểm bán). Bình quân, mỗi năm Saigon Co.op cung ứng ra thị trường 10.000 tấn hàng BOTT, trong đó 70%-80% là các mặt hàng bình ổn thiết yếu. Đặc biệt, hàng hóa BOTT tăng trưởng cao, bình quân trên 7,5%/năm, doanh số 5.000 tỉ đồng chiếm khoảng 15% tổng doanh số của Saigon Co.op. Bên cạnh việc tăng trưởng doanh thu, quy mô hệ thống, Saigon Co.op còn thu được lợi lớn khi thương hiệu DN gắn liền với thương hiệu BOTT, các điểm bán của Saigon Co.op trở thành điểm mua hàng bình ổn tin cậy đối với người tiêu dùng thành phố.
Đến 70%-80% hàng hóa bình ổn thị trường bán tại hệ thống Saigon Co.op là hàng tiêu dùng thiết yếu
Từ kinh nghiệm 16 năm tham gia chương trình, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho rằng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cũng như quy mô ngày càng lớn, chương trình BOTT cần xây dựng khung pháp lý phù hợp với các cam kết của thị trường quốc tế và nội địa. Cần xác định rõ các mặt hàng bình ổn trong thời kỳ mới; kênh bình ổn (online và offline); gắn công tác bình ổn với việc phát triển tổng thể chuỗi giá trị hàng hóa, chuỗi cung ứng, các chương trình, cuộc vận động dùng hàng Việt.
Bình luận (0)