Ngày 24-8, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã chủ trì hội thảo "Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững".
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản, phát triển bền vững và tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Hiện nay, mức độ cơ giới hóa trong trồng trọt đạt từ 70-100%, chăn nuôi từ 55-90%. Cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí, 271 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động thuần cơ khí…
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo
Tuy nhiên, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số vấn đề, như: Tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất và lĩnh vực ngành hàng (lâm nghiệp, khai thác thủy sản) còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị còn phân tán; công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được quan tâm đúng mức.
"Ngày 20-7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định số 858/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến 2030. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp làm cơ sở pháp lý để triển khai phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới"-Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho rằng Agribank đã kịp thời có những bước đi để hỗ trợ nông dân Việt Nam đổi mới, đầu tư áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo những quy chuẩn cao, hướng tới mục tiêu phục vụ xuất khẩu một cách bền vững.
Ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng của ngân hàng Agribank, phát biểu
Agribank đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn máy nông cụ trên thế giới như: Tata Ấn Độ, Yanmar, Kubota Nhật Bản. Theo thỏa thuận ký kết giữa Agribank và các tập đoàn, khách hàng vay vốn của Agribank để mua máy móc, thiết bị do các tập đoàn phân phối được hưởng quyền lợi theo chương trình khuyến mại mà các tập đoàn đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Ngoài quyền lợi được hưởng theo chương trình khuyến mãi của các tập đoàn, khách hàng vay vốn của Agribank để mua máy móc, thiết bị do các tập đoàn vẫn được hưởng các quyền lợi theo chương trình hỗ trợ cho vay của Chính phủ mà Agribank đang triển khai.
Ngoài ra, Agribank rất tích cực trong việc triển khai chương trình cho vay liên kết, cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. "Agribank thực hiện cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với các đối tượng khách hàng đáp ứng điều kiện với mức cho vay không bảo đảm tối đa 80% giá trị của dự án. Về chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Agribank dành quy mô tối thiểu 50.000 tỉ đồng (khoảng 2,2 tỉ USD) đầu tư cho vay đối với lĩnh vực này" - ông Vũ Trọng Thắng thông tin.
Bình luận (0)