Đây là ý kiến của TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra tại hội thảo Đột phá kinh tế từ du lịch do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 28-10.
Theo Tổng cục thống kê, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đón 12,78 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Trong thập kỷ qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt những kết quả khả quan. Dù vậy, theo các chuyên gia, ngành du lịch còn một số hạn chế, yếu kém chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Một số sản phẩm du lịch mới ở các điểm đến vấp phải sự chỉ trích về môi trường; khách quốc tế đến nhiều nhưng chi tiêu thấp; thiếu sản phẩm về đêm…
Liên quan đến bài toán về hài hoà giữa phát triển du lịch và môi trường, TS Trần Đình Thiên nhận xét, hiện có nhiều ý kiến cho rằng phát triển một dự án du lịch, hạ tầng du lịch mới có thể xâm hại môi trường khiến dư luận nghi ngại. Nhưng thực tế, muốn đánh giá hiệu quả phải nhìn ở nhiều góc độ. Dù du lịch được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng thế nào là mũi nhọn?
Nếu không được luận chứng rõ ràng, các địa phương cũng lúng túng không biết mũi nhọn thì nên ưu tiên chỗ nào, có cần hỗ trợ doanh nghiệp không và những doanh nghiệp đi tiên phong có thể gặp rủi ro.
"Mũi nhọn có phải là tiên phong hay không? Cần xác định rõ vì nếu không các phản ứng chính sách tiếp theo cũng không rõ ràng, như vừa rồi, một số dự án du lịch ở Tam Đảo, trước đó là Tam Chúc, Bà Nà, Sơn Trà… bị phản ứng vì cho rằng ảnh hưởng đến môi trường và tạo ra tâm lý tiêu cực với du lịch. Trên thực tế, những dự án này đem lại lợi ích rõ ràng cho điểm đến, địa phương, nên theo tôi, muốn phê phán phải đặt trên bàn cân lợi ích" - TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, cần hài hoà trong phát triển du lịch và môi trường để tạo sự bền vững. Ảnh: Linh Anh
Phân tích rõ hơn về câu chuyện bảo tồn môi trường và phát triển du lịch, TS Trần Đình Thiên cho rằng muốn phát triển phải đánh đổi. Cứ đụng tới môi trường là bị phản ứng thì rất khó, như làm đường sắt xuyên Việt nếu không phá đủ cây rừng làm sao thành dự án? Muốn phát triển mạnh phải đánh đổi mạnh, có điều, đánh đổi bao nhiêu là hợp lý ở giai đoạn đó phụ thuộc vào lợi ích tổng thể và dài hạn.
Đánh đổi thế nào là hợp lý thì cần luật, cần tiêu chuẩn chứ hiện nay chưa rõ ràng, không định hình và không giúp cho người ta định hướng được, khiến nhiều doanh nghiệp không dám và ngay cả chính quyền cũng không dám làm. Phát triển du lịch phải theo hướng khác biệt, đặc sắc nếu không, du khách sẽ đến Thái Lan, Trung Quốc, thay vì Việt Nam.
Quan trọng hơn, theo các chuyên gia, phải xác định cách làm du lịch có đẳng cấp, tiêu chuẩn cao chứ không chỉ chạy theo số lượng, khách năm nay phải tăng cao hơn năm trước. Du khách có thể đến ít nhưng chi tiêu nhiều, muốn vậy dịch vụ phải tốt để kéo khách đến và chi tiêu nhiều hơn tương xứng với tài nguyên du lịch đẳng cấp cao như Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc…
Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, TS Lương Hoài Nam, cũng nhìn nhận du lịch Việt Nam có đủ điều kiện, tiềm năng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phải trở thành mũi nhọn. Nhưng, một trong những điểm nghẽn hiện nay liên quan đến sự phát triển bền vững. Quan điểm về phát triển bền vững nếu không rõ ràng sẽ trở thành nút thắt rất lớn, và thực tế gần đây đang nóng lên từ chuyện ở Bà Nà, Tam Đảo, vịnh Hạ Long, bán đảo Sơn Trà hay các dự án du lịch tâm linh…
Bởi mọi người đều đồng thuận phải phát triển bền vững, nhưng cụ thể ra sao thì không có tiêu chí, không có cơ sở nên chuyện tranh luận giữa bảo tồn tuyệt đối hay phát triển mà không quan tâm tới môi trường diễn ra căng thẳng, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch.
"Do đó, nhà nước cần sớm ban hành những bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững, chi tiêu để áp vào từng dự án du lịch xem có phù hợp hay không? Từ đó ủng hộ hay không, còn nếu tranh luận thì sẽ vô chừng và không rõ ràng. Như ở các nước, liên quan đến phát triển bền vững, cái gì đụng đến văn hoá, tài nguyên là phải hết sức rõ ràng, càng minh bạch càng tốt" - TS Lương Hoài Nam đề xuất.
Bình luận (0)