Câu chuyện lỗ nghìn tỷ, nhưng lương cao ngất ngưởng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) năm 2011 (theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước) vừa làm xôn xao dư luận hoá ra không quá khó để giải trình.
Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), việc xây dựng tiền lương của các tập đoàn kinh tế nhà nước được thực hiện từ đầu năm, dựa trên kế hoạch lợi nhuận của Tập đoàn, chứ không phải dựa trên con số thực hiện. “Kế hoạch này được Bộ Tài chính xác nhận với khoản lợi nhuận dự kiến trên 2.000 tỉ đồng. Vì vậy, sau 1 năm, khi Kiểm toán Nhà nước phát hiện các khoản thua lỗ, thì việc chi trả lương đã được hoàn tất theo kế hoạch”, bà Minh phân tích.
Vụ việc của Petrolimex, xét về góc độ trách nhiệm giám sát và đánh giá DNNN của chủ sở hữu nhà nước, có vẻ cũng tương tự bài học kinh điển của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) khi vẫn được xếp loại A ngay vào năm trước khi bị phát hiện đang đứng trên bờ vực phá sản và phải tiến hành tái cơ cấu một cách toàn diện. Có nghĩa là, khi đó, bảng lương, thưởng của Vinashin cũng được xếp ở hạng A.
Phải nói rõ, cơ chế xây dựng lương, thưởng của DNNN dựa vào kết quả giám sát, đánh giá và xếp loại A, B, C của từng doanh nghiệp. Có lẽ điều này chi phối khá lớn bộ chỉ tiêu đánh giá DNNN đang được áp dụng.
“Các chỉ tiêu giám sát, đánh giá mới chỉ tập trung vào việc xem xét, đánh giá kết quả hoạt động, chưa trở thành công cụ để kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ, dấu hiệu rủi ro về tài chính và sản xuất, kinh doanh. Ngay cả quyết định được áp dụng rộng rãi nhất là Quyết định 224/2006/QĐ-TTg quy định về các chỉ tiêu đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, song lại không có các chỉ tiêu cảnh báo rủi ro”, ông Trung nhận định.
Khoảng trống pháp lý
Hơn thế, ở trường hợp của Petrolimex, trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước, chủ sở hữu nhà nước trong giám sát, đánh giá DNNN dường như vẫn để trống. Có nghĩa là, việc xác định trách nhiệm cụ thể về việc chậm phát hiện, cảnh bảo, ngăn ngừa việc sử dụng kém hiệu quả vốn và tài sản nhà nước sẽ không đơn giản.
Thực ra, nhìn lại 30 năm cải cách hệ thống chính sách liên quan đến DNNN cho thấy, tuy chưa có luật riêng về giám sát, đánh giá DNNN, song Việt Nam có một hệ thống các quy định về giám sát đối với DNNN. Đi kèm theo đó là hệ thống đồ sộ các cơ quan, bộ máy nhà nước thực hiện nhiệm vụ này. Thể hiện rõ nhất là tại Quyết định 224/2006/QĐ-TTg và Nghị định 101/2009/NĐ-CP về thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.
Trong khi đó, ông Trần Tiến Cường, chuyên gia tư vấn về DNNN cho rằng, hoạt động thực tiễn của DNNN rộng hơn nhiều so với Quyết định 224/2006/QĐ-TTg vốn chú trọng tới cơ chế lương, thưởng. Đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, Nghị định 101/2009/NĐ-CP có quy định cơ bản về cơ chế giám sát, đánh giá, bao gồm cả về quy chế, tài chính, phân công phân cấp, phương thức cụ thể, bằng báo cáo hay kiểm tra, kiểm toán…
Một bộ phận DNNN chưa thực hiện nộp báo cáo, cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp xử lý…”
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý để giám sát hoạt động DNNN chưa được cơ quan quản lý chủ sở hữu thực hiện một cách bài bản và hiệu quả. Các cơ quan này nhiều khi không được trang bị đầy đủ nhân sự và cơ sở vật chất để tiếp nhận và xử lý thông tin nhận được từ DN do mình quản lý. Cơ quan đăng ký kinh doanh tại các địa phương là nơi nhận các báo cáo tài chính của DN, nhưng hầu như không đủ cán bộ thực hiện xử lý, chiết xuất số liệu của DNNN từ các báo cáo này thường xuyên.
Một bộ phận DNNN chưa thực hiện nộp báo cáo trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp xử lý… Đây là một phần lý do chỉ khi DNNN xảy ra vấn đề, các cơ quan mới lật lại sự việc, tìm lại các báo cáo… Cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao thực hiện giám sát”
Bà Nguyễn Kim Toàn, Nguyên Vụ trưởng Vụ Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ)
Vấn đề lớn trong giám sát, đánh giá DNNN nằm ở khâu thực hiện. Quyết định 224/2006/QĐ-TTg đã quy định quý II năm sau phải đánh giá tình hình của năm trước, nhưng nhiều năm nay không được thực hiện đầy đủ. Ngay cả quy định về công bố thông tin cũng không vậy. Theo quy định, sau khi gửi Bộ Tài chính, bản giám sát, đánh giá DNNN phải công khai, nhưng thực tế, chỉ có phần kết luận của Chính phủ được công bố, nên dư luận không có thông tin đầy đủ. Nhược điểm khác của cơ chế giám sát hiện hành là giám sát, đánh giá của chủ sở hữu chủ yếu căn cứ vào các báo cáo của DNNN theo cách thức hành chính, có tính chất báo cáo thống kê, hơn là báo cáo thực hiện mục tiêu chủ sở hữu. Cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao thực hiện giám sát DNNN. |
Bình luận (0)