Đầu tư công một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn dàn trải; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, vẫn còn có trường hợp thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Thực trạng này được ông Doãn Anh Thơ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), chỉ rõ tại diễn đàn "Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Vai trò của Kiểm toán nhà nước" do KTNN tổ chức ngày 18-10.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu tại diễn đàn ngày 18-10
Theo ông Doãn Anh Thơ, đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp nền kinh tế đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong từng thời kỳ kế hoạch. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam còn có những hạn chế.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với bối cảnh khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng tiêu cực, đầu tư công đang được xác định là một trong những trụ cột, động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế thì những hạn chế trên cần phải sớm khắc phục.
Qua thực tiễn kiểm toán, ông Thơ cho biết nguyên nhân của những hạn chế trong đầu tư công, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch rất đa dạng; mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi dự án đều có những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.
Một số nguyên nhân có thể kể đến như thể chế pháp luật chưa đồng bộ giữa Luật đầu tư công với Luật Ngân sách Nhà nước cũng như các pháp luật chuyên ngành. Công tác quy hoạch, đấu giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, bất cập; đặc thù riêng của từng năm kế hoạch, từng nguồn vốn, từng dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khách quan như các cấp, các ngành chưa thực sự tích cực, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh; năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu.
Trước thực trạng nêu trên, tại diễn đàn, ông Vũ Thanh Hải, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV (KTNN), cho rằng người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và là người chịu trách nhiệm toàn bộ đối với mọi sai phạm trong suốt quá trình thực hiện đầu tư chứ không phải là trách nhiệm tập thể nếu để xảy ra sai phạm.
"Kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm tiêu chí đánh giá năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu"- ông Hải đề xuất.
Bình luận (0)