Loay hoay chống chuyển giá
Trả lời nhiều câu hỏi của báo giới xoay quanh giải pháp và kết quả ngăn chặn hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết: Bộ KH-ĐT vừa trình Chính phủ đề án chống chuyển giá. Do công tác này liên quan nhiều đến thuế, hải quan, quản lý tài chính doanh nghiệp nên Chính phủ đã chuyển cho Bộ Tài chính chủ trì. Giữa 2 bộ đã phối hợp bàn kế hoạch nhưng mới chỉ tiến hành ở mức trao đổi cấp chuyên viên. Đến nay, các bên mới đưa ra một số đề xuất, chẳng hạn như việc hoàn thiện khung pháp lý, tuyên truyền để các doanh nghiệp hạn chế chuyển giá, xây dựng đội ngũ chuyên viên đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, thực hiện các cuộc kiểm tra chống chuyển giá.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cũng cho biết còn đề xuất xây dựng bộ cơ sở dữ liệu so sánh giá với các nước xung quanh. Bộ cơ sở dữ liệu này Việt Nam cũng như nhiều nước khác không tự xây được mà phải đi mua. Ngăn chặn hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp chỉ là một trong những nội dung trong chống thất thu vì doanh nghiệp còn có nhiều cách thức khác để né tránh nộp thuế nên cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành mới ngăn chặn được.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc Bộ KH-ĐT có tính đến khả năng rút giấy phép của những doanh nghiệp FDI có số lỗ lớn hơn vốn điều lệ hay không, ông Đỗ Nhất Hoàng khẳng định trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, rất dễ xảy ra tình trạng doanh nghiệp hoạt động thua lỗ. Nếu cứ lỗ là rút phép sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Vì vậy, trước hết, phải tháo gỡ bằng cách xác định nguyên nhân thua lỗ để có hướng xử lý phù hợp. Có trường hợp lỗ giả phải xử lý nhưng cũng có trường hợp lỗ thật, phải hỗ trợ.
Bó tay trước doanh nghiệp bỏ trốn
Một hạn chế trong thu hút vốn FDI tại Việt Nam là không ít doanh nghiệp vay tín dụng trong nước rồi bỏ trốn, để lại nợ xấu cho ngân hàng và nợ lương của người lao động. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận có hiện tượng này xảy ra ở một số địa phương, một số KCN. Xử lý hiện tượng rất phức tạp, nếu tính chất vụ việc vẫn nằm trong giới hạn hành chính kinh tế thì tòa án và địa phương nơi có trụ sở doanh nghiệp đứng ra yêu cầu ngân hàng thu hồi tài sản thế chấp khi vay vốn. Trường hợp tài sản không thể xử lý qua con đường nói trên thì thường phải treo nợ vì khi doanh nghiệp bỏ trốn về nước, rất khó để tìm tung tích. Đối với các trường hợp này, Bộ KH-ĐT đang nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có chế tài phòng ngừa. Đồng thời, sẽ hợp tác với nước sở tại để truy tìm chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết tỉ lệ doanh nghiệp thua lỗ, vay vốn tín dụng trong nước rồi bỏ trốn tuy không cao nhưng đang gây bức xúc trong dư luận.
Liên quan đến vấn đề này, tại một cuộc họp Chính phủ gần đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đặt vấn đề phải đánh giá lại quá trình xét xử của tòa án liên quan đến doanh nghiệp FDI. Trước đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam làm khá tốt vấn đề này nhưng xu hướng gần đây, doanh nghiệp muốn đưa ra xét xử ở nước ngoài. Trong khi đó, chúng ta còn thiếu thẩm phán giỏi ngoại ngữ, am hiểu luật quốc tế và rành rẽ về luật kinh tế.
Trả lời câu hỏi sau khi tình trạng chuyển giá xảy ra phổ biến cùng với hiện tượng doanh nghiệp bỏ trốn, Bộ KH-ĐT mới tìm giải pháp ngăn ngừa, như vậy có thể hiện sự lúng túng trong quản lý doanh nghiệp FDI hay không, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Đương nhiên lúng túng vì khung pháp lý, thể chế của chúng ta chưa đầy đủ”.
Ông Vinh giãi bày trước đây có quan điểm cho rằng thu hút vốn FDI chủ yếu liên quan đến quản lý kinh tế nhưng tổng kết 25 năm thu hút vốn FDI ở Việt Nam đã nhìn nhận thực chất vốn FDI liên quan đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Trong khi đó, điểm yếu của Việt Nam là thể chế, khung pháp lý về FDI chưa đầy đủ, chồng chéo, mâu thuẫn nên khi có sự việc gì xảy ra rất khó xử lý. Ví dụ: Doanh nghiệp bỏ trốn, không biết vận dụng pháp luật nào để truy tìm. Bộ KH-ĐT vừa tổng hợp tất cả vướng mắc trong thu hút vốn FDI trình Thủ tướng để Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài trong những ngày tới.
Chất lượng dự án đầu tư chưa cao Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, cả nước hiện có 98 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 14.489 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 213,6 tỉ USD. Riêng năm 2012 có 1.100 dự án đầu tư mới được cấp phép và 435 lượt dự án tăng vốn với tổng mức đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,01 tỉ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt 10,46 tỉ USD chỉ bằng 95,1% năm 2011. Xét theo lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được 9,1 tỉ USD, chiếm 70% tổng vốn đăng ký năm 2012. Tiếp theo là bất động sản và bán buôn, bán lẻ. Bên cạnh xu hướng suy giảm về dòng vốn so với nhiều năm trước, chất lượng dự án đầu tư chưa cao, tỉ lệ tạo việc làm mới chưa tương xứng với mức thu hút đầu tư FDI, một số doanh ngiệp có hiện tượng gây ô nhiễm môi trường… |
Bình luận (0)