Mặc dù Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính làm thủ tục xử lý chiếc máy bay B727-233 của hãng hàng không Campuchia Royal Khmer Airlines (RKA) bị bỏ lại sân bay quốc tế Nội Bài 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết (Báo Người Lao Động số ra ngày 9-2 đã phản ánh).
Thông tin về “số phận” chiếc máy bay trên, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết theo giấy phép được cấp, chuyến bay đầu tiên của RKA từ Siem Reap đến Hà Nội ngày 2-3-2007 được thực hiện bằng máy bay B737, mỗi ngày 1 chuyến. Thế nhưng, 3 ngày sau, RKA đổi sang khai thác bằng máy bay B727-233. Đến ngày 30-4-2007, chiếc B727-233 bị sự cố và hủy chuyến, đậu tại sân bay Nội Bài từ đó đến nay, trở thành máy bay vô chủ.
Chi phí phát sinh khi đỗ chiếc máy bay này tại sân bay Nội Bài từ ngày 1-5-2007 đến 22-8-2014 (thời điểm cuối cùng Cục HKVN yêu cầu RKA nhận lại) đã lên đến 605.800 USD (gần 13 tỉ đồng), bao gồm tiền dịch vụ sân đỗ và bảo vệ máy bay.
Chi phí phát sinh của chiếc B727-233 vô chủ ở Nội Bài đúng 10 năm qua đắt đỏ như vậy nhưng dự kiến số tiền đấu giá chiếc máy bay này sẽ không đáng kể. Chính phủ đã cho phép trong trường hợp số tiền thu được từ bán đấu giá không đủ để thanh toán các khoản chi phí, Bộ GTVT đề nghị hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Đơn vị bán đấu giá là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Về tiến độ thực hiện, Bộ GTVT đang dự thảo kế hoạch gửi Bộ Tài chính phê duyệt. Sau khi trừ đi các chi phí liên quan, nếu còn tiền thì số tiền này sẽ được nộp cho ngân sách trung ương. Điểm mấu chốt là chiếc B727-233 sẽ được bán với giá khởi điểm bao nhiêu vẫn đang là ẩn số. Bộ GTVT đề xuất cơ chế để ACV được phép thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá để xác định giá khởi điểm chiếc B727-233.
Một chuyên gia công tác trong lĩnh vực quản lý công sản cho biết trước tiên, Bộ Tài chính phải ban hành quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với chiếc máy bay B727-233 để có đủ căn cứ pháp lý triển khai bán đấu giá theo phương án đã được phê duyệt.
Theo đánh giá của Cảng Hàng không Miền Bắc, giá trị kinh tế của chiếc B727-233 là không còn, chỉ có thể tính như giá sắt vụn, bằng khoảng 1/5 chi phí phát sinh trong 10 năm đỗ ở Nội Bài. Cuối năm 2015, Học viện Hàng không Việt Nam từng có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất xin chiếc máy bay vô chủ này để làm giáo cụ thực hành, thực tập nhưng không được chấp thuận vì không đủ căn cứ pháp lý.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, tiền bán đấu giá chiếc B727-233 sẽ được thanh toán lần lượt theo thứ tự ưu tiên sau: Án phí và các chi phí cho việc thi hành án, xử lý tài sản bảo đảm bằng việc bán đấu giá; tiền công gìn giữ, cứu hộ máy bay và các chi phí liên quan; các khoản nợ về thuế, lệ phí, phí; các khoản nợ về quyền, lợi ích đối với máy bay được đăng ký hoặc theo bản án, quyết định của tòa án; những khoản khác theo thỏa thuận giữa các bên liên quan hoặc theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)