Ngày 12-2 (mùng 8 Tết), ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đi thăm đồng đầu năm tại huyện Phú Tân và huyện Chợ Mới để kiểm tra tình hình sản xuất lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, công tác ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Anh Thư (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh An Giang lội ruộng ngày đầu năm đi kiểm tra tình hình dịch bệnh trên cây lúa ở huyện Phú Tân
Tại mỗi nơi đến, đoàn công tác đều đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sản xuất trước, trong và sau Tết nên phần nào giảm được thiệt hại do sâu bệnh tấn công. Đặc biệt, huyện Phú Tân là địa phương có đến 1.652 ha lúa bị rầy nâu, sâu cuốn lá cùng với 1 số loại bệnh khác gây hại nhưng đã kịp thời khống chế được hơn 80% diện tích.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Công Thương ưu tiên xây dựng thương hiệu và phục tráng loại nếp trứ danh CK92 của huyện Phú Tân để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu thêm giống lúa Japonica (Nhật Bản) trồng khảo nghiệm để thay thế một phần diện tích nếp trong bối cảnh thị trường Trung Quốc không ổn định. Dịp này, đoàn công tác ghé thăm mô hình trồng dưa lưới trong chậu kiểng của anh Dương Hiếu Thảo ở ấp Mỹ Phó 3, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân.
Anh Thảo cho biết đây là vụ dưa lưới đầu tiên được trồng thử nghiệm trong chậu kiểng nhưng lại cho hiệu quả đến không ngờ. Bởi chỉ với 1.000 m2 đất mà anh Thảo đã trồng được 2.600 gốc dưa với năng suất ước đạt hơn 4 tấn. Hiện doanh nghiệp đã đồng ý thu mua với giá từ 23.000 - 28.000 đồng/kg, tùy loại. Với giá này, sau khi trừ đi hết các khoản chi phí thì anh Thảo chắc chắn "hốt bạc" đầu năm vì lợi nhuận đạt không dưới 60 triệu đồng.
Anh Thảo giới thiệu dưa lưới loại trái dài được trồng trong chậu kiểng cho năng suất khá cao dù là lần đầu tham gia thử nghiệm
"Mô hình này chỉ nặng nhất là khâu làm nhà màng ban đầu với tổng vốn đầu tư khoảng 350 triệu đồng. Bù lại, nhờ trồng dưa trong nhà màng nên mình không phải lo gì về sâu bệnh và có thể trồng được 4 vụ/năm. So với trồng bên ngoài tự nhiên thì mình không dùng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào cả nên dưa luôn đảm bảo sạch tuyệt đối khi đến tay người tiêu dùng. Mô hình này cũng chỉ cần có 2 người phụ tiếp khâu quấn dây cho dưa leo lên giàn trong 40 ngày đầu nên chi phí về nhân công không đáng kể. Ngay cả khâu tưới cây cũng hoàn toàn tự động bằng hệ thống phun có điều chỉnh lượng nước theo nhiệt độ trong ngày. Trồng dưa lưới trong chậu kiểng như thế này thì lợi nhuận có thể cao gấp 30 lần so với trồng lúa"- anh Thảo nói như khoe.
Bình luận (0)