Trong lúc xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản truyền thống gặp nhiều trở ngại về nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) đã kịp thời phát triển hơn 20 sản phẩm mới từ nguyên liệu cá đồng. Sản phẩm nhanh chóng được người tiêu dùng các nước nhiệt tình đón nhận. Chỉ trong 6 tháng, công ty này đã nhận về khoảng 1 triệu USD doanh thu xuất khẩu.
Sản phẩm thủy sản "nước ngọt"
Đến nay, APT xuất khẩu gần 20 mã hàng làm từ tôm, cá nước ngọt như cá điêu hồng, cá trê, cá lóc (cả khô lẫn đông lạnh), bánh bột lọc, khổ qua dồn chả cá, chả cá thác lác… Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc APT, cho biết công ty đã nghiên cứu phát triển sản phẩm từ nguyên liệu nuôi trồng nước ngọt từ 6-7 năm nay để bù đắp cho nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt ngày càng khan hiếm, giá mỗi lúc một tăng. Tuy nhiên, mãi đến năm 2020, khi thị trường xuất khẩu có dấu hiệu từ chối những mặt hàng xuất khẩu truyền thống thì nhóm hàng từ "đồng quê" vừa nói trên mới thật sự được đẩy mạnh.
Dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường trong nước lẫn xuất khẩu đều khó. Trong những khoảng thời gian dịch xuất hiện trong cộng đồng, việc đi lại bị hạn chế cộng thêm khô hạn ở miền Tây, bão lũ tại miền Trung…, APT khá vất vả trong việc tìm kiếm nguyên liệu, tổ chức thu mua lẫn sản xuất, bán hàng.
APT không những hoàn thành mà đã vượt kế hoạch chỉ tiêu năm 2020 nhờ biết linh hoạt chuyển đổi sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng thời Covid-19
"Cao điểm dịch Covid-19 lần thứ 1 của năm 2020, HĐQT hỏi ban điều hành công ty có điều chỉnh chỉ tiêu không? Chúng tôi quyết tâm không điều chỉnh và ngay lập tức cử bộ phận thu mua đi trực tiếp đến các cảng từ miền Tây đến Thanh Hóa mua nguyên liệu. Tuy dịch Covid-19 bùng phát nhưng nếu đảm bảo cung ứng đầy đủ sản phẩm chất lượng, thiết thực cho bữa ăn cho người tiêu dùng thì đây sẽ là hướng ra của công ty. Thế là chúng tôi đã hợp tác với các siêu thị, cùng trên 100 cửa hàng thuộc Satra Food để cung cấp các mặt hàng thủy hải sản tươi sống "nước ngọt". Giải pháp này hóa ra đã góp phần giúp công ty cải thiện doanh thu" - ông Dũng kể.
Năm 2021, thêm nhiều quầy thủy hải sản tươi sống APT sẽ được mở tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tổng hợp hơn
Sắp xếp ổn mối lo về nguyên liệu sản xuất và đầu ra tại thị trường nội địa, APT đồng thời tìm cách nối lại các đơn hàng xuất khẩu tạm gián đoạn vì đại dịch. Đặc biệt, có thời gian xuất hiện thông tin virus SARS-CoV-2 sống trong sản phẩm đông lạnh, công ty phải chụp hình, gửi thông tin cho khách hàng hiểu Việt Nam phòng chống dịch hiệu quả thế nào, công ty thực hiện 5K ra sao để thuyết phục họ quay lại đặt hàng.
"Công ty đã làm việc rất kỹ với đối tác đặt hàng, hỏi cặn kẽ thị trường họ cần gì, thích gì tìm hiểu, trao đổi và mạnh dạn đề xuất với đối tác hướng nghiên cứu phát triển những sản phẩm mới, cũng như sẳn sàng chia sẻ khó khăn với khách hàng. Những nổ lực này đã được đền đáp bằng con số hết sức phấn khởi: doanh thu tăng 12% so với kế hoạch năm." - ông Dũng cho biết.
Tập trung vào sản phẩm lợi thế
Những ngày cuối năm 2020, ban điều hành APT ngồi lại tính toán tái cấu trúc, sắp xếp lại bộ máy, hệ thống vận hành cho phù hợp với điều kiện mới.
Một trong những điểm khác biệt của APT là xây dựng được thương hiệu và xuất khẩu một số mặt hàng bằng thương hiệu riêng. Trong đó, sản phẩm nước mắm truyền thống thương hiệu APT đã có mặt trên thị trường 40 năm nay, xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều năm, được cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc ưa chuộng. Đây cũng là sản phẩm tiêu biểu TP HCM, sản phẩm công nghiệp chủ lực, tham gia chương trình bình ổn thị trường TP.
"Nước mắm sẽ là 1 trong những dòng sản phẩm được ưu tiên phát triển trong năm nay. Kế hoạch của chúng tôi là chọn ra sản phẩm cốt lõi để dẫn dắt thị trường và xác định đó sẽ là các sản phẩm khô như tôm khô, cá khô, mực khô - là những mặt hàng lợi thế công ty đang tiêu thụ tốt. Do nhà máy có code đi EU nên có quy trình HACCP; các loại khô làm từ nguyên liệu tươi, sản xuất khép kín và bảo quản đóng gói hút chân không nên bảo đảm an toàn thực phẩm, phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng. Thị trường phía Bắc rất thích khô cá ba sa của công ty" - ông Dũng tiết lộ.
Nước mắm truyền thống thương hiệu APT đã được công nhận là sản phẩm tiêu biểu TP HCM
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao phục vụ cho bữa ăn sáng nhanh, gọn, đầy đủ dinh dưỡng; mở thêm nhiều quầy thủy hải sản tươi sống tại các hệ thống bán lẻ hiện đại nhằm gia tăng sự nhận biết của khách hàng đối với thương hiệu APT.
Những năm trước, tỉ lệ sản xuất gia công của công ty chiếm đến 70% tổng sản lượng nhưng năm 2020 đã kéo xuống còn 30% do đã chủ động được nguồn nguyên liệu và tiến thêm 1 bước trong việc tạo dựng thương hiệu công ty.
"Doanh thu toàn công ty đang được chia đều cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Làm thị trường nội địa là cả 1 quá trình. Chúng tôi xác định chỉ bán cái gì mình có thể ăn được và phải mang hiệu quả, và quan trọng hơn cả là phải đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm cũng là cách xây dựng niềm tin với người tiêu dùng, khi người tiêu dùng đã tin thì giá trị thương hiệu tự động nâng lên" - ông Dũng bộc bạch
Gượng dậy từ bờ vực phá sản
Những ai quan tâm theo dõi APT đều biết công ty này có hoàn cảnh khá "đặc biệt". Là công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), APT cổ phần hóa năm 2007 với khoản nợ hàng trăm tỉ đồng, gần như chỉ chờ làm thủ tục phá sản.
Hơn 10 năm nay, ban lãnh đạo APT đã từng bước gượng dậy, làm lại từ đầu. Nợ cũ chưa trả được nên không thể vay nợ mới, công ty đã tự thân vận động để khôi phục lại thị trường, doanh thu mỗi năm một tốt hơn, bảo đảm tăng trưởng theo chỉ tiêu của đại hội đồng cổ đông giao.
"Hiện giờ, công ty còn 30% vốn Nhà nước; một cổ đông lớn bên ngoài sở hữu 40% vốn. Chúng tôi rất mừng vì đã đưa được công ty từ bờ vực phá sản lên sàn UPCOM, có nhà đầu tư mua. Vậy nghĩa là công ty đã sống được" - ông Trương Tiến Dũng lạc quan.
Dù còn nhiều khó khăn, APT luôn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần và bữa ăn cho người lao động
Bình luận (0)