"Chúng tôi thường mặc những trang phục phẳng phiu, nước hoa thơm nức mũi, đồng hồ hàng hiệu, điện thoại đời mới…, nhưng để có được sự hào nhoáng đó, rất nhiều người trong chúng tôi phải đi vay bạn bè, người thân", một môi giới bất động sản có 3 năm trong nghề chia sẻ với phóng viên.
Anh cho biết không đi vay sao được khi lương cơ bản chỉ có 3 triệu đồng/tháng, trong khi phải chi đủ thứ như chạy quảng cáo, đăng tin, SEO facebook, in tờ rơi, tiếp thị qua điện thoại, xăng xe… Có những tháng, những khoản chi phí này tốn tới cả chục triệu đồng, đó là việc phải làm, vì nếu không sẽ không thể tiếp cận được khách hàng và dĩ nhiên là không bán được hàng.
Ở sâu bên trong cái vẻ bề ngoài hào nhoáng, xe sang, điện thoại của nhân viên môi giới bất động sản là những nỗi trần ai và những giọt nước mắt mà không phải ai cũng dễ dàng thấu hiểu
Với nhân viên môi giới, áp lực tài chính này là rất lớn. Có người nhiều tháng không có được một giao dịch nào, nên tinh thần giảm sút, phải bỏ nghề, kèm theo là một đống nợ.
Do áp lực doanh số, nên nghề này có sự cạnh tranh rất gay gắt, thậm chí là giữa những đồng nghiệp làm cùng công ty. Việc cướp khách của nhau xảy ra như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Khách hàng không nhiều, trong khi số lượng môi giới tăng mạnh, để đảm bảo doanh thu, không ít người đã níu kéo khách bằng cách cắt hoa hồng lại cho khách, dân trong nghề gọi hành động đó là “cắt máu”. Người mua hiện nay cũng đã thông minh, khôn khéo hơn rất nhiều, họ nhanh chóng nhận ra sự cạnh tranh nên ép giá mạnh, người nào cắt lại hoa hồng nhiều hơn thì họ mua của người đó. Tuy nhiên, nếu chạy theo doanh thu mà cắt hoa hồng cho khách, thì trừ chi phí, môi giới còn lại chẳng được bao nhiêu cho một giao dịch.
Nghề môi giới bất động sản không phải là nghề nhàn hạ, lương cao
Chắc hẳn ai cũng biết, mối quan hệ là yếu tố cực kỳ quan trọng để thành công trong nghề này. Chính vì vậy, chuyện phải đi nhậu, đi chơi chung với khách, thậm chí là về tận nhà khách để tư vấn dần trở thành một phần tất yếu của công việc. "Chúng tôi đã có lúc bị khách gọi đến nhà tư vấn và gạ gẫm", một nữa môi giới kể.
Trong khi đó, nhiều người vẫn “đánh đồng” những người làm nghề môi giới là “cò”, mặc dù khái niệm nhân viên môi giới bất động sản và “cò nhà đất” rất khác nhau. Điều khác biệt lớn nhất đó là nhân viên môi giới bất động sản được quản lý bởi công ty, có quy chế rõ ràng, được đào tạo về nghề, đạo đức, còn “cò nhà đất” chỉ là những người hoạt động tự do.
Dù không phải tất cả “cò” đều xấu nhưng cũng không ít người có hành vi lừa gạt khách hàng. Do vậy, việc đánh đồng những nhân viên môi giới được đào tạo là “cò” cho thấy thị trường vẫn có cái nhìn phiến diện về nghề này.
Anh nhân viên môi giới kể: "Hôm trước về quê, khi biết tôi làm môi giới bất động sản, chị tôi nói, mày làm cò nhà đất hả? Nghe nói ở thành phố cò nhà đất đi lừa đảo nhiều lắm đấy, mày cẩn thận nhé!”.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi chuyên về công nghệ thông tin, mọi người vẫn khuyên anh nên bỏ nghề môi giới và tìm công việc nào đó cho đúng chuyên ngành mình đã học. Nhưng thật sự, sau 3 năm làm việc chuyên môn về IT, anh cảm thấy công việc này rất nhàm chán khi hằng ngày phải “chôn chân” hơn 8 tiếng đồng hồ một chỗ.
"Bản tính của tôi ưa hoạt động, muốn ra ngoài gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, muốn được làm việc với một thời gian linh động…, nên tôi quyết định chọn nghề môi giới bất động sản. Bao nhiêu khó khăn, áp lực, hay cám dỗ, chúng tôi đều chấp nhận, nhưng điều khiến tôi vẫn suy nghĩ hằng đêm, đó là cái nhìn của mọi người đối với nghề môi giới bất động sản bao giờ mới thay đổi", anh tâm sự và nói thêm rằng ở đời chẳng có gì là tự nhiên hay dễ dàng mà có được cả, nghề môi giới bất động sản cũng không ngoại lệ.
Ở sâu bên trong cái vẻ bề ngoài hào nhoáng, xe sang, điện thoại kia là những nỗi trần ai và những giọt nước mắt mà không phải ai cũng dễ dàng thấu hiểu.
Bình luận (0)