Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh những con đường huyền thoại như đường mòn Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh trên biển, còn có một con đường huyền thoại khác, tuy thầm lặng nhưng cũng hết sức quan trọng, đó là "Con đường tiền tệ" trong những năm 1965-1975, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong Mùa xuân năm 1975, thống nhất hoàn toàn đất nước.
Binh đoàn tiền tệ
Giai đoạn 1954 - 1975, chúng ta gặp vô vàn khó khăn trong nhiệm vụ nhận viện trợ, chế biến tiền và phân phối tiền, dùng tiền mua vũ khí chuyển cho chiến trường miền Nam. Từ đó, một đường dây bí mật, một con đường huyền thoại đã được hình thành để vận chuyển các khoản ngoại tệ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Để chuyên trách việc chi viện tài chính cho các chiến trường, tháng 4-1965, từ đề xuất của Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Bộ Chính trị đã cho thành lập "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" mang mật danh B29. Quỹ này tiếp nhận, tập trung các nguồn ngoại tệ viện trợ, ủng hộ cho miền Nam của nước ngoài, dự trữ, bảo quản, "chế biến" ngoại tệ thành tiền Sài Gòn và một số loại ngoại tệ phù hợp; phối hợp với các đơn vị của Tổng cục Hậu cần để vận chuyển, chi viện cho miền Nam.
Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Văn Châu - nguyên cán bộ Quỹ Ngoại tệ đặc biệt B29 - chia sẻ với tính chất công việc đặc biệt bí mật, B29 như một "binh đoàn tiền tệ", theo nguyên tắc của hoạt động tình báo, chịu sự chỉ đạo và báo cáo đơn tuyến với cấp trên, trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị. Nhiều chỉ thị, mệnh lệnh được truyền miệng từ lãnh đạo cấp cao, chứ không có văn bản ký duyệt. Mỗi cán bộ chỉ biết công việc của mình, không biết việc của người khác. B29 được xem là tổ chức tình báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam.
Trong suốt 10 năm hoạt động, biên chế của B29 chỉ có hơn chục cán bộ, mọi hoạt động thu chi được hạch toán, kế toán riêng. Các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn về giao dịch, thanh toán, kế toán và ngân quỹ - mỗi bộ phận chỉ có một người. Ngay khi mới thành lập, B29 đã có 3 đại diện thường trú dưới danh nghĩa khác nhau tại Hồng Kông, Bắc Kinh và Paris. Ông Lê Văn Châu khi đó là đặc phái viên của B29 dưới danh nghĩa Tùy viên Kinh tế Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh từ giữa năm 1967.
Khâu vận chuyển tiền ở phạm vi phía Bắc với các nước bạn do B29 phụ trách thường sử dụng các phương tiện như đường sắt, liên vận quốc tế, các hãng hàng không… Mỗi chuyến vận chuyển tiền trong cặp thường có từ vài triệu USD tiền mặt. Những cán bộ chuyển ngân hoạt động như khách VIP đi công tác, các lộ trình đều tuyệt mật theo nguyên tắc đơn tuyến.
Những cán bộ nữ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: TƯ LIỆU
Dũng cảm, mưu trí
Theo ông Lê Văn Châu, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, các cán bộ, chiến sĩ B29 (Trung ương), C32 (bộ phận kho quỹ của Ban Kinh - Tài thuộc Trung ương Cục) và B6 (Ban Tài chính đặc biệt với các phiên hiệu: B68, D270, N2683…) đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trong bom đạn cũng như sự kiểm soát gắt gao của địch để chi viện cho chiến trường.
Ban đầu, bằng phương thức vận chuyển tiền mặt (AM), tiền từ kho ngoại tệ đặc biệt (cất giữ nghiêm ngặt tại tầng hầm Ngân hàng Nhà nước Trung ương - 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội; do B29 quản lý) được chuyển cho đơn vị đặc biệt chuyên phụ trách vấn đề này của Tổng cục Hậu cần Quân đội là C.100 thuộc Đoàn 559, sau đó được đóng thùng đặc chủng và chuyển theo tuyến đường Trường Sơn hoặc đi đường biển bằng những chuyến tàu không số, cất giấu dưới hầm tàu 2 đáy, có lúc tiền còn được chuyển bằng vali ngoại giao…
Sau đó, khi chiến trường mở rộng, nhu cầu tiền càng nhiều, càng nhanh càng tốt và phải cung cấp cho nhiều nơi, AM không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Các cán bộ, chiến sĩ ngân hàng đã nỗ lực chuyển đổi sang phương thức chuyển khoản (FM), giúp cho việc vận chuyển tiền từ quỹ đặc biệt ở Hà Nội vào Nam rút từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút, đáp ứng nhu cầu tiền càng nhiều, càng nhanh càng tốt và phải cung cấp cho nhiều nơi.
FM là phương thức sử dụng hình thức chuyển khoản do B29 tại Hà Nội thực hiện theo yêu cầu của Ban Tài chính đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam (có bí danh là N2683), để hoàn trả tại nước ngoài, chủ yếu là tại cơ sở của ta tại Hồng Kông.
Đầu mối và cũng là cơ sở của N2683 là các đại thương gia được cách mạng cảm hóa, có khả năng chi tiền mặt cho đường dây hoạt động nội thành của N2683. Họ gửi tiền tại các ngân hàng ở Sài Gòn. Theo sự thỏa thuận với N2683, họ rút tiền mặt từ các ngân hàng với lý do để sản xuất, kinh doanh nhưng thực tế là trao cho ta và được giao tại những nơi quy ước "làm ăn" hoặc tại những vùng giáp ranh, ven đô Sài Gòn - Gia Định, có khi còn xa hơn nữa. Sau đó, theo thông báo của N2683, B29 sẽ chi trả lại bằng cách chuyển ngân vào tài khoản của họ ở các ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, còn có một đường dây bí mật làm nhiệm vụ đổi ngoại tệ và tiếp nhận các nguồn viện trợ của bạn bè quốc tế. Để bảo đảm con đường tiền tệ được an toàn, thông suốt, nhiều cán bộ ngân hàng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên các mặt trận.
Không thiếu một xu
Sau 10 năm làm nhiệm vụ, đến tháng 4-1975, các cán bộ, chiến sĩ ngành ngân hàng đã chi viện cho chiến trường miền Nam khoảng 1 tỉ USD, hàng tỉ tiền Sài Gòn và hàng trăm triệu tiền Campuchia, kíp Lào, baht Thái Lan... Tất cả số tiền viện trợ đó đều được vận chuyển, bảo quản an toàn, cấp phát theo quy định, không thiếu một xu.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)