xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đấu thầu vàng: Mục tiêu bất thành!

THÁI PHƯƠNG

Từ khi xuất hiện “cơn bão” giảm giá vàng, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới liên tục giữ mức kỷ lục, trên 6 triệu đồng/lượng, khiến mục tiêu ban đầu của Ngân hàng Nhà nước thông qua các phiên đấu thầu trở nên… quá xa vời!

Ngày 17-4, phiên đấu thầu vàng miếng thứ 8 của Ngân hàng (NH) Nhà nước tiếp tục đắt khách với 39.700 lượng vàng được bơm ra thị trường trong tổng số 40.000 lượng vàng được chào thầu. Mức giá sàn NH Nhà nước đưa ra là 40,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán ra trên thị trường cùng thời điểm 100.000 đồng/lượng nhưng cao hơn giá mua vào đến 600.000 đồng/lượng.

Càng đấu thầu càng chênh lệch lớn

Kết thúc phiên đấu thầu, 16 doanh nghiệp, NH thương mại đã trúng thầu với mức giá thấp nhất là 40,71 triệu đồng/lượng, cao nhất 40,8 triệu đồng/lượng. Dù mức giá sàn không hấp dẫn như phiên đấu thầu hôm 16-4 nhưng các đơn vị tham gia vẫn đặt mua gần hết. Qua 8 phiên đấu thầu kể từ ngày 28-3, NH Nhà nước đã cung ứng ra thị trường 223.600 lượng vàng (tương đương 8,6 tấn vàng) trong tổng số 262.000 lượng vàng chào thầu. Hôm nay, 18-4, dự kiến NH Nhà nước sẽ chào thầu thêm 40.000 lượng vàng với mức giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 40,75 triệu đồng/lượng.
 
img
Sau 8 phiên đấu thầu, giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 6 triệu đồng/lượng. Ảnh: TẤN THẠNH

Điều dư luận quan tâm hiện nay là qua 8 phiên đấu thầu với một số lượng vàng cực lớn được bơm ra thị trường, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới không được thu hẹp mà ngày càng dãn rộng. Trước khi NH Nhà nước tổ chức đấu thầu, giá vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 2,6 triệu đồng/lượng. Sau phiên đầu tiên ngày 28-3, mức giá sàn đưa ra cao hơn giá thị trường, chênh lệch lập tức được nâng lên 3,2 triệu đồng/lượng. Kể từ cuối tuần qua đến nay, khi “bong bóng giá vàng” thế giới “nổ” kéo giá vàng trong nước giảm sâu, khoảng cách giữa 2 đầu giá được đẩy lên mức kỷ lục hơn 6 triệu đồng/lượng và giữ nguyên cho đến nay.

Sau các phiên đấu thầu của NH Nhà nước, giá vàng trên thị trường thường bị đẩy lên cao hoặc bị neo giá thay vì giảm theo đà biến động của giá thế giới. Chẳng hạn, phiên đấu thầu ngày 16-4, có 25.700 lượng vàng được đặt mua với giá trúng thầu từ 38,7 - 38,92 triệu đồng/lượng nhưng giá thị trường sau đó lên tới 41,5 triệu đồng/lượng. Tính ra, các đơn vị trúng thầu đã “bỏ túi” hơn 66,8 tỉ đồng chênh lệch. Đến phiên ngày 17-4, sau kết quả trúng thầu, giá vàng trên thị trường cũng lập tức được đẩy lên cao. Cuối ngày 17-4, giá vàng SJC ở mức 41,35 triệu đồng/lượng, cao hơn giá trúng thầu trong buổi sáng từ 550.000 - 640.000 đồng/lượng. Với 39.700 lượng trúng thầu, các đơn vị tham gia tiếp tục kiếm lời hơn 19 tỉ đồng.

Nên sớm chấm dứt đấu thầu

Sau phiên đấu thầu thứ 5, NH Nhà nước cho biết đã thực hiện tăng cung vàng miếng, từng bước cân bằng cung - cầu vàng miếng trên thị trường khi giá quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Theo NH Nhà nước, lượng vàng miếng trúng thầu của các đơn vị được sử dụng để bán ra thị trường và một phần dùng để tất toán số dư vàng huy động của một số tổ chức tín dụng, góp phần làm giảm áp lực mua vàng trên thị trường.

Tiếp đến phiên đấu thầu thứ 8, dù mục tiêu ban đầu là kéo sát giá vàng trong nước về với thế giới đã trở nên quá xa vời nhưng NH Nhà nước vẫn khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu với khối lượng đủ lớn để bình ổn thị trường. Dù vậy, giá vàng trong nước không những thu hẹp với thế giới qua các phiên đấu thầu mà còn nảy sinh tác dụng ngược. Cụ thể, sau mỗi phiên đấu thầu, giá sàn của NH Nhà nước đưa ra mặc nhiên được ấn định là mức giá của thị trường. Các đơn vị trúng thầu tiếp tục “đẩy” giá lên thêm một bước nữa bởi không thể bán thấp hơn để chịu lỗ. Quan trọng hơn, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đạt Chí cho rằng NH Nhà nước cần sớm ra chính sách khác để quản lý thị trường vàng thay vì cứ đấu thầu hết phiên này đến phiên khác trong khi mục tiêu đặt ra không đạt. NH Nhà nước cũng không thể liên tục dùng ngoại tệ để nhập khẩu vàng về bán như nhà kinh doanh vàng, có thể gây rủi ro cho dự trữ ngoại hối của Nhà nước.

“NH Nhà nước đừng quản lý vàng như “đùa với lửa” vì có thể phỏng tay, bởi rất khó để đoán được giá vàng thế giới. Không một NH trung ương nào trên thế giới, kể cả Mỹ, dám đụng đến vàng trong dự trữ ngoại hối như cách Việt Nam đang làm nên NH Nhà nước cần sớm chấm dứt việc này để tránh xảy ra thiệt hại” - chuyên gia kinh tế - TS Phạm Đỗ Chí nhận xét.
 

Nhiều nước thả nổi thị trường vàng

Khoảng cuối thập niên 1960, Ấn Độ cũng đưa ra hàng loạt chính sách để quản lý thị trường vàng. NH trung ương quốc gia này muốn quản lý vàng bằng rất nhiều biện pháp khác nhau nhưng đều thất bại. Đến nay, Ấn Độ đã thả nổi thị trường vàng và chỉ quản lý bằng thuế suất nhập khẩu vàng khi nâng mức thuế lên 50%.

Ngay cả Trung Quốc, cách đây 10 năm, cũng cố gắng kiểm soát thị trường vàng theo hướng độc quyền, ấn định giá vàng nhưng không thành công và hiện cũng thả nổi thị trường vàng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo