Sáng 17-12, chương trình tư vấn trực tuyến do Báo Người Lao Động tổ chức với chủ đề "Phát triển nguồn năng lượng điện sạch" đã mang đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc về việc đầu tư, phát triển các loại năng lượng tái tạo.
Nghiên cứu chính sách giá điện mặt trời mới
Tại buổi tư vấn, nội dung được bạn đọc quan tâm nhiều nhất là quy trình, thủ tục đầu tư điện mặt trời mái nhà, giá mua điện mặt trời trong thời gian tới và tính khả thi, hiệu quả của việc đầu tư điện mặt trời.
Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, tặng hoa cho các khách mời tham dự buổi tư vấn trực tuyến “Phát triển nguồn năng lượng điện sạch” do Báo Người Lao Động tổ chức Ảnh: TẤN THẠNH
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Quế Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Inter Solar, cho biết giá mua điện mặt trời mái nhà đang được áp dụng là 8,38 cent/KWh, tương đương 1.940 đồng/KWh. Mức giá này áp dụng đến ngày 31-12-2020. Sau thời gian này, các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư phải chờ quy định mới. "Tuy nhiên, tôi cho rằng với tình hình thiếu hụt điện năng như hiện nay, Chính phủ sẽ vẫn tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời trong thời gian tới" - ông Phong nhận định.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), thông tin hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành chính sách giá điện mặt trời cho thời gian từ ngày 1-1-2021 theo hướng bảo đảm phù hợp với sự phát triển công nghệ và giá thành đầu tư của hệ thống điện mặt trời.
"Trong trường hợp chưa có giá mới, nếu khách hàng đầu tư điện mặt trời mái nhà và có nhu cầu nối lưới, ngành điện vẫn tiến hành gắn điện kế 2 chiều, ghi nhận sản lượng và tiến hành thanh toán tiền cho khách hàng sau khi Chính phủ ban hành giá mới" - ông Kiên nói thêm.
Một số bạn đọc thắc mắc liệu địa bàn mình đang ở có được phép lắp đặt điện mặt trời không, thủ tục thế nào, đại diện EVNHCMC giải thích việc lắp đặt điện mặt trời được áp dụng trên toàn quốc. Tại TP HCM, khách hàng sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, nếu có nhu cầu nối lưới vào hệ thống điện quốc gia có thể liên hệ tổng đài Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNHCMC để được hướng dẫn thủ tục.
Theo quy định hiện nay, trong vòng 2 ngày sau khi nhận được yêu cầu của khách hàng, bên điện lực sẽ khảo sát trực tiếp, giải quyết thủ tục đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện (thời hạn 20 năm). Ông Kiên cũng lưu ý khách hàng có nhu cầu đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà có thể tham khảo Thông tư 18/2020/TT-BTC ngày 17-7-2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời mái nhà để nắm rõ các thủ tục thực hiện đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Về nguyên tắc, khách hàng không thể chỉ sử dụng điện năng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà do ban đêm hệ thống không phát điện. Tùy theo nhu cầu sử dụng, khách hàng có thể cân nhắc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tương ứng. Chẳng hạn, với nhu cầu sử dụng của gia đình là 550 KWh/tháng (tương đương 20 KWh/ngày), khách hàng chỉ cần đầu tư khoảng 6 KWP với chi phí khoảng 100 triệu đồng là có thể đủ cho nhu cầu của gia đình.
Bạn đọc Huy Li hỏi chi phí đầu tư cho một cột điện gió là bao nhiêu và cá nhân có thể hùn tiền với Tập đoàn Trung Nam làm điện gió hay không? Ông Đặng Quốc Bảo, Giám đốc Ban Truyền thông - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (TrungNam Group), cho biết chi phí đầu tư một MW điện gió là gần 2 triệu USD.
Với công nghệ hiện nay, mỗi trụ gió có công suất từ 4-5 MW. Mỗi dự án nhỏ có quy mô khoảng 40 MW. Từ đó, khách hàng có thể tính toán để triển khai đầu tư hoặc liên kết với các công ty đầu tư chuyên nghiệp.
Không khó xử lý rác thải từ panel mặt trời
Về tuổi thọ của các tấm pin năng lượng mặt trời, ông Đặng Quốc Bảo đề nghị nên gọi các panel mặt trời là tấm quang năng vì các panel này không lưu trữ điện. Hiện tại, các nhà sản xuất tấm quang năng cam kết thời gian sử dụng của hệ thống từ 20-30 năm. Các tấm quang năng này được cấu thành phần lớn từ silicat tương tự thủy tinh và các kim loại vô cơ nên việc xử lý khá đơn giản, có thể thực hiện theo quy trình rác thải điện tử và không tác động lớn đến môi trường. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư, đặc biệt là các hộ dân an tâm lắp đặt các tấm quang năng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên có quy trình hướng dẫn cụ thể xử lý rác thải là những tấm quang năng.
TS Đinh Hoàng Bách, Trưởng bộ môn Hệ thống Điện - Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP HCM, cho rằng luật về môi trường và năng lượng chưa có quy chế nào ràng buộc nhà cung cấp tấm pin mặt trời và nhà đầu tư dự án điện mặt trời trong việc cam kết thu hồi, xử lý tấm pin sau khi hết hạn sử dụng. Đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến ảnh hưởng của các tấm pin mặt trời khi hết hạn sử dụng đến môi trường, nhưng chưa có sự thống nhất giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu về vấn đề này. "Hy vọng, trong tương lai sẽ có những nghiên cứu tin cậy, giải đáp được những thắc mắc rất quan trọng này để tạo cơ sở cho các nhà làm luật ban hành những quy định thống nhất về việc xử lý tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng" - TS Bách nói.
Gỡ vướng chính sách
Liên quan đến những thắc mắc về vấn đề truyền tải, các DN cho biết sau "tai nạn" về truyền tải đối với lĩnh vực điện mặt trời, Bộ Công Thương và EVN đã có những điều chỉnh để bảo đảm việc bổ sung quy hoạch nguồn điện gió phải đi đôi với bổ sung truyền tải.
Theo các DN, chính sách giá đối với dự án điện gió của Việt Nam chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn nên đã và đang gây khó khăn cho nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước, EVN, các nhà sản xuất, ngân hàng. Vì vậy, các DN kiến nghị nhà nước có chính sách giá ổn định và rõ ràng để tạo cơ sở cho DN ra quyết định đầu tư.
Cũng liên quan đến chính sách cho tư nhân có thể tham gia nhiều hơn vào hạ tầng truyền tải nhằm giải quyết vấn đề thiếu tải, đại diện TrungNam Group cho hay Luật Điện lực quy định nhà nước độc quyền truyền tải nhưng không làm rõ phạm vi độc quyền. Việc vận hành hệ thống truyền tải là an ninh năng lượng quốc gia và sẽ phải độc quyền. Song các cấu phần khác trong ngành truyền tải như đầu tư, cung cấp dịch vụ... có thể có sự tham gia của các thành phần kinh doanh khác. Do vậy, các nhà đầu tư tư nhân, trong đó có TrungNam Group, mong muốn có một hành lang pháp lý rõ ràng để nhà đầu tư đồng hành với EVN giải quyết bài toán truyền tải, đặc biệt trong đầu tư truyền tải.
Báo Người Lao Động làm cầu nối phát triển năng lượng sạch
Trao đổi với các khách mời tại buổi làm việc, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới là sử dụng nguồn năng lượng từ thiên nhiên để góp phần bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, trong chiến lược phát triển đất nước, nhà nước rất quan tâm đến năng lượng quốc gia và đã có nghị quyết về vấn đề này. Việt Nam đã có những chuyển động mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư cho năng lượng sạch, rất nhiều tập đoàn, công ty đã đầu tư vào lĩnh vực này.
"Việt Nam có nguồn tài nguyên nắng, gió rất dồi dào, là tiềm năng để phát triển điện sạch. Để làm được điều đó, cần có sự hỗ trợ tháo gỡ khó khăn từ các sở ngành, cơ quan chức năng để cho các DN, tập đoàn có thể đầu tư hiệu quả hơn" - TS Tô Đình Tuân nói.
Báo Người Lao Động sẵn sàng làm cầu nối, trở thành kênh cho các DN nêu những khó khăn, vướng mắc; kết nối với các cơ quan quản lý, đồng thời đề đạt những nguyện vọng chính đáng của DN. Qua đó góp phần từng bước xây dựng nền năng lượng sạch, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Bình luận (0)