* Phóng viên: Thép là một trong các mặt hàng quan trọng nhưng liên tục biến động mạnh, lúc sốt, lúc đóng băng. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Thứ trưởng Lê Dương Quang: Nguyên nhân của tình trạng giá thép biến động khi sốt, khi đóng băng là do ngành thép còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu;
chi phí nguyên vật liệu chính chiếm tỉ trọng từ 94,6%-97% giá thành sản phẩm thép. Hai là, doanh nghiệp (DN) Nhà nước (Tổng Công ty Thép VN) hiện chỉ chiếm khoảng 30% thị phần thép cả nước, 70% còn lại thuộc về các DN dân doanh, liên doanh và FDI; do đó giá thép trong nước chịu ảnh hưởng của giá thép thế giới. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như giá điện, xăng dầu, vận tải... đều tác động đến giá thép. Mặt khác, hệ thống phân phối chưa hoàn hảo nên vẫn còn hiện tượng đầu cơ và công tác dự báo để định hướng thị trường thép còn bất cập. Ngoài ra, ngành sản xuất thép không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và ngành thép không có nguồn dự trữ quốc gia nên giá thép tăng, giảm theo cơ chế thị trường.
* Bộ Công Thương đánh giá ra sao về hiện trạng ngành thép?
- Thời gian vừa qua, hiện tượng đầu tư sai quy hoạch là có thật, một mặt cho thấy công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập; mặt khác, nó cũng phản ánh xu thế chuyển dịch một số ngành sản xuất từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có trình độ phát triển cao hơn sang quốc gia đang phát triển. Ngoài sự thiếu đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Đầu tư và Luật Xây dựng), còn có tâm lý nôn nóng phát triển công nghiệp của các địa phương nên có nhiều dự án thép được các địa phương cấp phép đầu tư nhưng chưa phù hợp với quy định của hai luật trên.
Tuy nhiên, không có lý do để lo ngại quá nhiều vì hiện nay chỉ có sản xuất thép xây dựng, thép cán nguội, thép mạ kim loại là cung vượt cầu. Các sản phẩm khác như thép tấm cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim... nước ta phải nhập khẩu. Theo dự kiến, đến năm 2015, nước ta cần khoảng 15 triệu tấn thép và năm 2020 là 20 triệu tấn thép. Nếu các dự án thực hiện theo đúng công suất thiết kế (35 triệu tấn/năm) thì cung sẽ vượt cầu khoảng 1,5-1,8 lần (đặc biệt là thép tấm, lá). Nếu 3 dự án sản xuất thép tấm cán nóng có trong quy hoạch mà không tiếp tục triển khai được thì sản lượng thép chỉ đạt khoảng 26 triệu tấn/năm, so với cầu vượt khoảng 1,2 - 1,3 lần.
* Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
- Để khắc phục hiện trạng, Chính phủ đã chỉ đạo chấn chỉnh ngay việc cấp phép đầu tư các dự án thép tại địa phương, tạm dừng xem xét cấp phép đầu tư các dự án thép xây dựng thông thường; chỉ xem xét đối với các dự án sản xuất thép bảo đảm đủ nguyên liệu quặng sắt, các dự án sản xuất thép chất lượng cao... Bộ Công Thương cũng đã ban hành văn bản quy định chặt chẽ thủ tục, điều kiện đầu tư các dự án sản xuất gang thép theo hướng phải bảo đảm công nghệ hiện đại, có nguồn nguyên liệu ổn định, tin cậy, bảo đảm các yêu cầu về môi trường, khả năng đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, khả năng thu xếp vốn và bảo đảm hiệu quả kinh tế...
Tăng thuế, kiểm soát chặt chẽ thép nhập
Theo Thứ trưởng Lê Dương Quang, một số mặt hàng như thép mạ kim loại, thép xây dựng trong nước sản xuất được nhưng vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu, từ đó góp phần làm tăng giá trị nhập siêu. Để hạn chế, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép mà trong nước đã sản xuất được và Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22 ngày 20 - 5-2010 (có hiệu lực kể từ ngày 5-7- 2010 đến 31-12-2010) quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép nhằm kiểm soát số lượng, chủng loại sản phẩm thép nhập khẩu vào VN. |
Bình luận (0)