Ngày 12-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn quốc gia về nguồn nhân lực du lịch Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại TP HCM. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) cùng tham dự.
Năng suất lao động còn thấp
TP HCM phấn đấu đến năm 2020 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030 thuộc nhóm các TP có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết các cơ chế chính sách và chiến lược thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; nguồn nhân lực du lịch của TP và cả nước đang phải đối diện với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác khi thực hiện thỏa thuận về di chuyển lao động tự do giữa các nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về nguồn nhân lực du lịch Việt Nam tổ chức ngày 12-4 ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Báo cáo Chỉ số cạnh tranh ngành du lịch và lữ hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy chỉ số cạnh tranh chung của du lịch Việt Nam đang được cải thiện khá nhanh, từ vị trí thứ 80/140 quốc gia năm 2013 lên vị trí 67/136 năm 2017.
Thực tế, ngành du lịch đang rất thiếu nhân lực lành nghề, chất lượng cao. Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Đến năm 2018, TP HCM có 5.418 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ nhưng đến 30%-45% trong số đó không đạt chuẩn ngoại ngữ. Đặc biệt số hướng dẫn viên biết tiếng Nhật, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga còn rất hạn chế…
Các nhà đầu tư đánh giá việc thiếu lao động du lịch có tính chuyên nghiệp rất đáng quan ngại trong điều kiện Việt Nam đang tập trung xây dựng hình ảnh "điểm đến cao cấp". Chưa kể, năng suất lao động của người làm trong ngành du lịch còn thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch cả nước 23 tỉ USD, đóng góp 7,5% vào GDP. Đây là mức tăng doanh thu ấn tượng nhưng mức năng suất khá thấp với chỉ 3.477 USD/năm/người so với mức 47.713 USD/năm/người của Singapore hay 8.369 USD/năm/người của Thái Lan.
"Sân bay, nhà ga, bến xe... là nơi tiếp xúc đầu tiên của du khách khi đặt chân đến một điểm du lịch nhưng gần như lực lượng làm công tác an ninh, bến bãi hay dịch vụ đưa đón công cộng, taxi chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của mình trong việc tạo ấn tượng, sự hài lòng cho du khách" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, phân tích. Ông cho biết ngành du lịch Philippines đã vận động người dân tham gia chiến dịch quảng bá du lịch nước này và rất thành công, tại Macau thì mỗi người dân là một đại sứ du lịch.
Tập trung 3 "C" để đột phá
Liên quan đến lĩnh vực đào tạo, GS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho biết hằng tuần trường đều nhận được đề nghị cung ứng nhân sự chất lượng cao cho những tập đoàn lớn trong và ngoài nước với nhu cầu khoảng 5.000 nhân sự/năm. Nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch phải đáp ứng yêu cầu của DN từ kiến thức liên ngành, ngoại ngữ, ý thức về phát triển du lịch bền vững… GS Mai Hồng Quỳ kiến nghị nhà nước cần có chính sách ưu đãi thuế, đầu tư đối với các DN tham gia, liên kết với các trường trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu hỗ trợ khuyến khích cơ sở đào tạo về chuyên ngành du lịch; cho phép thực hiện chương trình đào tạo bằng sự tham gia của các DN để trên cơ sở đó phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Trước kiến nghị của các trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ đã có nhiều chính sách khuyến khích đào tạo nhân lực du lịch. Bộ cũng sẽ khuyến khích xã hội hóa để DN tham gia vào đào tạo; cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh thực hành, có những chuẩn mực quốc tế...
Hạn chế về ngoại ngữ cũng là một trong những điểm yếu của nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay. Trong ảnh: Hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách cách sơ chế rau củ tại chợ Hội An, TP Hội An Ảnh: THANH NHÂN
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ nhiều trăn trở đồng thời nêu một số gợi ý chiến lược đối với nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Thủ tướng đặt vấn đề ngành du lịch liệu có đủ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút nhân tài và lực lượng lao động có kỹ năng trong nước lẫn quốc tế? Câu hỏi này không chỉ dành cho DN mà cả cơ quan quản lý nhà nước bởi du lịch là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu, khó áp dụng cơ chế bảo hộ. "Môi trường tạo nên con người, đầu vào quan trọng nhưng đầu ra cũng quan trọng. DN, xã hội sử dụng nguồn lực thế nào? Chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm trên 10% GDP, vậy làm gì để tạo sức lan tỏa, tối ưu hóa nguồn lực sẵn có? Bản thân các bộ, ngành đã làm gì để ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành mũi nhọn?" - Thủ tướng đặt vấn đề.
Đúc kết lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 3 chữ "C" để ngành du lịch đột phá, đó là "con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược". Con người cần nâng cao ý thức, tinh thần hiếu khách; cơ sở hạ tầng về du lịch, kết nối giao thông, chính quyền điện tử; chiến lược là tầm nhìn dài hạn cho ngành du lịch phát triển.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist):
Cần đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên cần phối hợp chặt chẽ, nắm bắt nhu cầu DN để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Cơ sở giáo dục có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp từ nhiều ngành, lĩnh vực từ lưu trú, nhà hàng, lữ hành, sự kiện, quản lý điểm đến, phát triển thị trường khách... trong quá trình đào tạo. Chẳng hạn Saigontourist đã xây dựng tiêu chuẩn chức danh cho các cấp lãnh đạo căn cứ theo kiến thức năng lực và tiêu chuẩn cụ thể.
Để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, các cơ sở đào tạo cần nhanh chóng xây dựng khung chương trình đào tạo tương ứng theo sát yêu cầu thực tế phát triển ngành, đồng thời phù hợp tiêu chuẩn chức danh nghề du lịch ASEAN, EU. Trong đó chú ý các chương trình tập sự nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm...
Chất lượng đầu vào của sinh viên là yếu tố quan trọng nhưng chất lượng đầu ra để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN lại là yếu tố quyết định. Bằng cấp chưa phải điều kiện hàng đầu, quan trọng là kỹ năng, thái độ của sinh viên đối với công việc mình làm.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel:
Nên mở trường chuyên về du lịch
Cần cơ chế, cần tính toán thành lập trường chuyên về du lịch trên cơ sở quy hoạch một số trường có khoa du lịch làm nòng cốt, từ đó phân bổ và quy hoạch nguồn lực, đầu tư chuẩn cho các khoa.
Các trường đại học nên nghiên cứu xây dựng giáo trình, giáo án dựa trên tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo du lịch có sự phù hợp với yêu cầu tại Việt Nam, tăng tính kết nối với các tổ chức nhân lực du lịch của ASEAN, châu Âu... Chương trình đào tạo cần đi sâu hơn vào kỹ năng ngoại ngữ, cập nhật thêm kiến thức mới theo sự vận động của ngành du lịch trong nước và quốc tế. Cơ quan quản lý có kế hoạch và định hướng đào tạo hướng vào 3 cấp bậc chính: cấp quản lý, cấp DN, cấp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Khuyến khích có cơ chế ưu đãi về cơ sở vật chất cho các DN trong ngành du lịch tự đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên để đáp ứng nhu cầu du khách.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HĐTV HG Holdings và Gotadi:
Chưa đầu tư đủ tầm cho công tác nhân sự
Thiệt thòi lớn của du lịch Việt Nam là tỉ lệ du khách quay trở lại thấp khiến ngành du lịch phải chi nhiều tiền hơn cho việc quảng bá, xúc tiến để đón khách mới... Thời gian qua, chúng ta chú trọng xây thêm nhiều sân bay, mua máy bay, đầu tư resort, khu du lịch... nhưng lại không đầu tư đủ tầm cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Điều này góp phần khiến du khách không quay lại.
Trong khi ngành du lịch tăng trưởng nhanh thì nhiều nhân sự lại không có tinh thần thay đổi ứng dụng công nghệ. Hiện gần như các bộ phận phục vụ du lịch đều cần công nghệ, áp dụng công nghệ nhưng không phải người làm du lịch nào cũng sẵn sàng. Đây là vấn đề cần giải quyết khi tuyển dụng nhân sự.
Bình luận (0)