Sau nửa đầu năm 2022 xuất khẩu có sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7-2022 bắt đầu có sự sụt giảm nhẹ so với tháng trước. Các doanh nghiệp (DN) bắt đầu tìm cách ứng phó để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.
Chi phí vận chuyển cao, sức mua giảm
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7-2022, cả nước xuất khẩu 582.635 tấn gạo, giá trị 285,2 triệu USD - giảm gần 20% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước là gần 4,08 triệu tấn, đạt giá trị hơn 1,99 tỉ USD - tăng 17,3% về khối lượng, tăng 6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), cho hay hiện các đơn hàng xuất khẩu ít, giá gạo giảm do các thị trường nhập khẩu như Philippines, Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch, lại được mùa nên giảm nhập khẩu. Tình hình xuất khẩu của công ty không đạt theo kế hoạch do thị trường ảm đạm.
"Với ngành gạo, thương mại toàn cầu năm nay gần trở lại như trước dịch Covid-19 - tức rơi vào trạng thái cung vượt cầu khi các nước không còn tăng mua để tích trữ. Vài năm gần đây, Việt Nam chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao. Giá cao cũng khiến các DN mất thị trường gạo ở phân khúc giá rẻ. Ngay ở trong nước, gạo giá rẻ Ấn Độ cũng được nhập về để dùng trong chế biến, thức ăn chăn nuôi" - ông Đôn cho hay.
Trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 1,7 tỉ USD - giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến trên khiến 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của ngành này đạt 9,7 tỉ USD, chỉ tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng sở dĩ tăng trưởng được 1,1% trong 7 tháng đầu năm là nhờ vào xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ sang thị trường Trung Quốc. Thời gian qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ chiếm tỉ trọng cao, khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhưng trong tháng 7 đã giảm tới 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đây là năm đầu tiên xuất khẩu của ngành gỗ không có tăng trưởng sau cả chục năm duy trì mức tăng 2 con số. Ngay cả năm 2021, dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, ngành gỗ vẫn tăng trưởng hơn 19%" - ông Hoài băn khoăn.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của ngành gỗ được hiệp hội nhận định là do suy thoái kinh tế, giá cước vận tải còn quá cao... Với giá cước vận tải, trước dịch Covid-19, một container 40 feet từ Việt Nam sang Mỹ khoảng 3.000 - 4.000 USD, trong dịch tăng lên 18.000 - 20.000 USD, nay vẫn đứng ở mức 10.000 - 12.000 USD. Do vậy, những nhà nhập khẩu ở thị trường này chọn nước xuất khẩu gần để tiết giảm chi phí vận chuyển.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ để xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khả quan từ nay đến cuối năm. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Doanh nghiệp bắt đầu lo
Bộ Công Thương dự báo từ nay đến cuối năm 2012, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt nhiều khó khăn, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái. Từ đó, nhu cầu cho các mặt hàng gia dụng, tiêu dùng sẽ giảm, ảnh hưởng đến ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bày tỏ lo lắng về xuất khẩu những tháng cuối năm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhấn mạnh chi phí sản xuất tăng cao khiến giá thành sản phẩm tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh. Các yếu tố gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch bệnh, nhiên liệu đã đẩy chi phí logistics lên mức rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, là vấn đề đau đầu của DN hiện nay.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, lạm phát của Mỹ và châu Âu đang ảnh hưởng đến sức mua khiến đơn hàng có xu hướng giảm. Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển tăng khoảng 3 lần so với trước.
Ngoài ra, việc các ngân hàng thương mại hết hạn mức tăng trưởng tín dụng khiến việc tiếp cận vốn của DN ngày càng khó. Các DN ngành gạo có nhu cầu vốn để mua gạo dự trữ nhưng không dễ.
Ngay cả với những mặt hàng từng là điểm sáng nay xuất khẩu cũng bắt đầu sụt giảm. Ông Lê Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, cho biết trước đây, mặt hàng mật ong là "điểm sáng" của ngành chăn nuôi khi có mặt ở hầu hết thị trường khó tính với giá trị xuất khẩu đạt hơn 100 triệu USD/năm.
"Vấn đề của ngành mật ong năm nay là bị áp thuế chống bán phá giá nặng nề, bình quân 60% ở thị trường chính là Mỹ, cộng thêm bị mất mùa nên sản lượng giảm. Giá trị xuất khẩu của ngành có thể đã giảm đến 40%-50% và dự báo còn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới" - ông Lê Thanh Vân nhìn nhận.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Với ngành xuất khẩu gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng từ nay đến cuối năm vẫn phải đối mặt với sự sụt giảm. Để xuất khẩu bền vững, theo ông, cần thực hiện giải pháp về kỹ thuật, chiến lược lâu dài. Cụ thể, các bộ, ngành và cả hiệp hội, DN phải cùng tập trung cho việc giải trình, điều trần với cơ quan điều tra của Mỹ để chứng minh nguồn gỗ xuất khẩu của Việt Nam là hợp pháp. Hạn chế sản xuất sản phẩm có giá trị thấp, tận dụng nguồn nhân công giá rẻ vì như vậy dễ bị đưa vào danh sách điều tra chống bán phá giá...
Để ứng phó, trong những tháng cuối năm 2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thông qua chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường. Từ đó, tham mưu cho bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương, phát triển sản xuất và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu.
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để bảo đảm sản xuất. Bộ cũng hỗ trợ các DN ứng dụng số hóa, thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN khắc phục việc đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực hỗ trợ DN kết nối đối tác, thâm nhập thị trường; đẩy mạnh vận động, khuyến khích doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của DN Việt tại thị trường các nước.
Triển vọng vẫn tích cực
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8-2022, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định dù chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) có giảm nhẹ trong tháng 7 nhưng Việt Nam vẫn cho thấy hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn các nước trong khu vực, khi phần lớn châu Á chứng kiến sự thu hẹp về đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Các DN tiếp tục tuyển dụng nhiều lao động, chỉ số lao động việc làm tăng lần thứ 4 liên tiếp. Dù tăng trưởng sản xuất có thể chậm lại trong những tháng tới nhưng vẫn duy trì triển vọng tích cực.
L.Anh
Bình luận (0)