Ngày 16-11, Diễn đàn Mekong Connect 2023 chủ đề "Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững" chính thức bước vào phiên toàn thể tại TP HCM. Chương trình do UBND TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì.
Vận hội mới của vùng
Phát biểu đề dẫn diễn đàn, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng kinh tế không có ranh giới. Thực tế cho thấy những thành tựu kinh tế mà TP HCM đạt được thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của ĐBSCL và ngược lại sự phát triển của TP HCM cũng lan tỏa ra các vùng.
"TP HCM với thế mạnh có hàng loạt các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, các cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại, các tổ chức quốc tế nên phải là nơi dẫn dắt trong câu chuyện tăng trưởng và mới nhất là tăng trưởng xanh. Tôi vừa đi châu Âu và nhận thấy 80% nhãn hàng đều gắn với nhãn xanh. Tức là tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh gần như bắt buộc. Với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của TP HCM, các doanh nghiệp hãy xem đây là thị trường phép thử. Chinh phục được thị trường TP HCM là có thể vươn xa ra thế giới" - người đứng đầu Bộ NN-PTNT nhắn nhủ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, năm 2023, những biến động lớn trên thế giới đã đặt ra nhu cầu tự lực, tự cường và gia tăng khả năng chống chịu của từng quốc gia. Nhu cầu này đòi hỏi các vùng, các địa phương trong cả nước phải liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy sức mạnh tổng thể. Trong xu thế đó, năm 2023, TP HCM đã cùng 38 tỉnh, thành trên cả nước ký thỏa thuận và xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.
"Hôm nay, TP HCM cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL tiếp tục đối thoại về kết nối chuỗi cung ứng hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững. Điều đó cho thấy TP HCM xác định mối liên kết vùng chặt chẽ giữa TP HCM và các tỉnh, thành trong nhiệm vụ phát triển kinh tế" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Diễn đàn Mekong Connect 2023
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh mặc dù tiềm năng của ĐBSCL và TP HCM rất lớn nhưng việc phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn vẫn còn mới mẻ với các địa phương, đòi hỏi sự kiên trì nỗ lực giữa 14 địa phương với các bộ, ngành trung ương.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề xuất cần xây dựng khung chương trình hợp tác giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong lĩnh vực phát triển hạ tầng xanh, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế xanh. Đồng thời, hợp tác xúc tiến thương mại sản phẩm và lĩnh vực liên quan kinh tế xanh trên quy mô toàn vùng; hình thành các cơ chế và chính sách phát triển trong vùng và liên vùng.
Chỉ mới là điểm sáng
Tại phiên thảo luận, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), dẫn lại lời nhận xét của nhiều chuyên gia quốc tế rằng ĐBSCL tiềm năng rất lớn nhưng phát triển chậm. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang lãng phí tài nguyên.
Ông Bình nhận xét thời gian qua đã có những chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản giữa ĐBSCL với TP HCM có hiệu quả nhưng chỉ mới là vài điểm sáng, chưa phải đại trà. "Tôi rất mừng khi đề án sản xuất 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp sắp được Chính phủ thông qua và sẽ sớm được triển khai. Đề án này sẽ giúp nâng giá trị ngành lúa gạo ĐBSCL. Thời gian tới, cần nhân rộng mô hình ra 2 ngành chủ lực nữa của ĐBSCL là trái cây và thủy sản" - ông Bình kiến nghị.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho biết phần lớn doanh nghiệp thực phẩm tại thành phố sử dụng nguyên liệu tại ĐBSCL nhưng sự liên kết vẫn chưa căn cơ. "Hiện tại, tình trạng được mùa mất giá tại các vùng nguyên liệu vẫn còn. Thiếu nơi bảo quản, thiếu công nghệ sau thu hoạch nên tỉ lệ thất thoát nông sản ở ĐBSCL vẫn rất cao, lên đến 30%. Các doanh nghiệp TP HCM muốn xây kho lạnh tại vùng nguyên liệu nhưng gặp khó trong đầu tư, nguồn vốn cũng như thời gian hoàn vốn" - bà Chi chia sẻ.
Bà Chi kiến nghị ĐBSCL nên có kho dữ liệu dùng chung về mùa vụ, thời điểm thu hoạch, sản lượng... để các doanh nghiệp thu mua, tính toán việc tiêu thụ. Về lâu dài, từ nhu cầu thị trường có thể tổ chức lại sản xuất, giải quyết bài toán được mùa rớt giá của nông sản ĐBSCL.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đề cập câu chuyện thiếu lao động tại ĐBSCL khiến các doanh nghiệp đầu tư nhà máy tại khu vực này hết sức khó khăn. Do đó, các địa phương không chỉ thu hút mở nhà máy mà còn phải phát triển y tế, giáo dục tương xứng để người lao động yên tâm làm việc tại quê nhà.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề diễn đàn, ông Daniel Stork, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại TP HCM, chia sẻ Hà Lan có địa hình rất giống ĐBSCL. Và từ kinh nghiệm của Hà Lan, ông Daniel Stork gợi ý TP HCM và ĐBSCL nên phát triển thêm logistics đường sông để vận chuyển hàng nhanh với chi phí tiết kiệm hơn.
"Chuỗi logistics này cũng phải xanh hóa như thay thế năng lượng hiện tại bằng điện mặt trời, điện gió... Hiện có nhiều doanh nghiệp Hà Lan hoạt động trong mảng này, sẽ góp phần cải thiện chuỗi cung ứng cho TP HCM và ĐBSCL cũng như xuất khẩu" - ông Daniel Stork chia sẻ.
Nhiều thỏa thuận được ký kết
Trong khuôn khổ diễn đàn, đã diễn ra nghi thức ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai một số nội dung trọng tâm ngành công thương TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn đến năm 2025; nghi thức ký kết giữa Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) và Sở Công Thương TP HCM về đồng hành tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng gạo trên địa bàn TP HCM.
Bình luận (0)