Tuy nhiên, trên thực tế, ông Nguyễn Văn Thịnh đánh giá liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương còn mang tính đơn lẻ; chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
"Liên kết kinh tế vùng cũng chưa được mở đường, dẫn dắt mạnh, trong khi chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp (DN), HTX và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình" - ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nhìn nhận trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài. Vì vậy, cần đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa để hỗ trợ DN, HTX, hộ nông dân nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, từ đó chủ động tổ chức sản xuất - kinh doanh nông - thủy sản thiết yếu. Qua đó, góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, liên kết vùng còn góp phần hỗ trợ các đơn vị, HTX sản xuất quảng bá thương hiệu, hàng hóa đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối để ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Để đẩy mạnh liên kết vùng, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng cần có chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ nông dân nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa nhằm chủ động tổ chức sản xuất - kinh doanh, hướng đến ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân; nâng cao giá trị nông sản.
Bình luận (0)