Sau vụ Công ty Gỗ Gia Hân (Đồng Nai) khiếu nại Công ty Global Home (Cộng hòa Czech) để đòi khoản nợ 493.000 USD, nhiều doanh nghiệp (DN) khác cho biết từng điêu đứng vì bị đối tác nước ngoài quỵt nợ do không quan tâm đến các điều khoản trong hợp đồng.
Có hợp đồng là mừng!
Về sự thua thiệt của DN trong nước, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, sức ép phải có đơn hàng để duy trì hoạt động đã khiến không ít DN dễ dãi khi ký hợp đồng.
Nhiều doanh nghiệp làm đồ gỗ xuất khẩu bị nợ dây dưa khi làm ăn với Công ty Global Home Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết vừa nhận hồ sơ của một DN khi gặp vướng mắc với đối tác nước ngoài. Hợp đồng làm hàng xuất khẩu này hơn 100 trang nhưng không có bản tiếng Việt và trong đó, rất nhiều nội dung rủi ro cho DN trong nước.
“Có hợp đồng là mừng nên nhiều DN trong nước chỉ quan tâm ngày giao hàng, kỳ hạn thanh toán, trong khi hàng loạt vấn đề liên quan như quy chuẩn chất lượng, trách nhiệm nếu rủi ro xảy ra lại không được quan tâm” - ông Hưng lo ngại.
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, trong hợp đồng, DN Việt rất ít quan tâm đến điều khoản dùng tòa án ở nước ngoài phân xử khi xảy ra tranh chấp. Đến khi tranh chấp xảy ra, DN trong nước mới biết mình không đủ lực để ra nước ngoài theo đuổi vụ kiện nên cầm chắc phần thua thiệt.
Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Gỗ Lâm Việt, cho rằng để giao hàng đúng hạn, một container tới tay đối tác thì cùng lúc đó cũng có một container hàng đang vận chuyển trên biển, một container nằm trong xưởng sản xuất và một lượng nguyên liệu tương đương một container trên đường về nhà máy. “Đến khi thấy đối tác có vấn đề, DN khó dừng lại quy trình sản xuất vì thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, DN cần tìm hiểu đối tác kỹ, chỉ dành hết công suất cho những nơi uy tín, nếu không thì khó mà trở tay kịp” - ông Lâm nhìn nhận.
Cần chia sẻ kinh nghiệm
Ông Lê Xuân Tân, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Gỗ Hạnh Phúc, cho biết nhiều lúc, DN không có sự lựa chọn do cần đơn hàng để duy trì việc làm cho cả ngàn công nhân. Không có việc, DN vẫn phải trả 70% tiền lương cho người lao động. Do đó, DN phải chấp nhận rủi ro nhất định.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), đánh giá: “Hiện nay, nguồn cung nhiều, cầu ít nên làm ăn quốc tế luôn có rủi ro. Do đó, chia sẻ kinh nghiệm là rất quan trọng. Trước đây, DN trong hiệp hội bị đối tác nước ngoài lừa cũng không ít. Sau này, nhờ các hội viên chia sẻ kinh nghiệm cho nhau nên giảm khá nhiều thiệt hại”.
Trong khi đó, theo ông Điền Quang Hiệp, Công ty Xuất khẩu gỗ Mifaco (Bình Dương), với những đối tác không rõ nguồn gốc thì nên áp dụng phương thức thanh toán an toàn và cũng đừng dễ dãi khi ký hợp đồng dù đang khó khăn.
Làm giả hồ sơ để lừa đảo
Mới đây, Thương vụ Việt Nam - Bộ Công Thương tại Brazil cảnh báo về tình trạng mạo danh các công ty lớn tại nước này để lừa đảo, như chào hàng với giá rất rẻ, yêu cầu trả trước một phần, thanh toán một số loại lệ phí… Các đối tượng này còn làm giả vận đơn, bảo hiểm, chứng nhận xuất xứ... để lừa đảo. Cụ thể, Công ty BRF (nhà sản xuất các sản phẩm bò, gà, heo lớn nhất tại Brazil) xác nhận tình trạng lừa đảo, mạo danh BRF đã xảy ra khá nhiều ở Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và mới đây là Việt Nam.
Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng cảnh báo nạn gian lận thương mại, lừa đảo của một số công ty nhập khẩu ở Dubai đối với DN Việt Nam. Thủ đoạn của các đối tượng này là thuyết phục DN Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu trái cây với phương thức thanh toán 50% sau khi nhận bản sao chứng từ gửi hàng và 50% sau khi nhận được hàng đúng cam kết. Những đối tượng này cho rằng đây là thông lệ kinh doanh nông sản tại Dubai. Hậu quả là nhiều DN Việt Nam bị chậm thanh toán từ 6 tháng đến 1 năm. Thậm chí, sau khi nhận hàng, đối tượng lừa đảo còn tráo hàng kém chất lượng vào để trì hoãn thanh toán.
Bình luận (0)